Công ty vốn nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Để được hoạt động tại Việt Nam, công ty vốn nước ngoài phải tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Một trong những giấy tờ khi nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là đề xuất dự án đầu tư. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về đề xuất dự án đầu tư công ty vốn nước ngoài.
Khi nào cần phải lập đề xuất dự án đầu tư?
Khi thành lập công ty vốn nước ngoài và triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, có hai thủ tục chính mà công ty vốn nước ngoài cần phải thực hiện theo Luật Đầu tư 2020:
Thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu dự án đầu tư thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương đầu tư)
Thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, khi tiến hành hai thủ tục này, trong thành phần hồ sơ, nhà đầu tư cần phải nộp đề xuất dự án đầu tư cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể theo Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:
“Điều 33. Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:
d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư”.
Theo Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:
“Điều 36. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư”.
Nội dung chính của đề xuất dự án đầu tư công ty vốn nước ngoài
Theo điểm d khoản 1 Điều 33, điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, nội dung chính của đề xuất dự án đầu tư bao gồm:
Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư
Mục tiêu đầu tư
Quy mô đầu tư
Vốn đầu tư và phương án huy động vốn
Địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện
Thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có)
Nhu cầu về lao động
Đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư
Tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án,
Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có)
Dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có)
Mẫu đề xuất dự án đầu tư mới nhất
Đề xuất dự án đầu tư (Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập)
Đề xuất dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập theo điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Đầu tư được thực hiện theo Mẫu A.I.2 Thông tư số 25/2023/TT-BKHĐT:
Đề xuất dự án đầu tư (Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất)
Đề xuất dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất theo điểm d khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư được thực hiện theo Mẫu A.I.3 Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT:
Đề xuất dự án đầu tư (Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư)
Đề xuất dự án đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP được thực hiện theo Mẫu A.I.4 Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT:
Hướng dẫn lập đề xuất dự án đầu tư công ty vốn nước ngoài
Sau đây, Luật Việt An sẽ hướng dẫn quý khách hàng điền các thông tin về đề xuất dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất và dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thông tin về nhà đầu tư
Ghi rõ thông tin tên từng nhà đầu tư.
Đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất, nêu rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư (nếu có): Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai/ Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu/ Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thông tin các nội dung về dự án đầu tư
Tên dự án, địa điểm thực hiện dự án: Đối với dự án ngoài KCN, KCX, KCNC, KKT: ghi số nhà, đường phố/xóm, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố. Đối với dự án trong KCN, KCX, KCNC, KKT: ghi số, đường hoặc lô…, tên khu, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
Mục tiêu dự án: theo Mã ngành theo VSIC, Mã ngành CPC (nếu có). Chỉ ghi mã ngành CPC đối với các mục tiêu hoạt động thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Quy mô dự án: Miêu tả quy mô bằng các tiêu chí diện tích, công suất, quy mô kiến trúc xây dựng, sản phẩm dịch vụ cung cấp,…
Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư, vốn góp của nhà đầu tư, vốn huy động, lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư (nếu có).
Nguồn vốn đầu tư: Vốn góp để thực hiện dự án ghi chi tiết theo từng nhà đầu tư, số vốn góp, tỷ lệ, phương thức góp, tiến độ góp.
Thời hạn hoạt động của dự án: Tiến độ thực hiện dự án(ghi theo mốc thời điểm tháng (hoặc quý)/năm.
Nhu cầu về lao động: (nêu cụ thể số lượng lao động trong nước, số lượng lao động là người nước ngoài cần cho dự án theo từng giai đoạn cụ thể
Thông tin về đất đai (nếu có)
Hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai:
Địa điểm khu đất: giới thiệu tổng thể về khu đất
Dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nêu rõ diện tích đất và cơ cấu sử dụng đất, thời hạn, tỷ lệ sử dụng đất của từng hạng mục công trình)
Giải trình việc đáp ứng các điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự kiến kế hoạch, tiến độ giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất
Thông tin về giải trình
Giải trình về sự phù hợp của dự án với quy hoạch có liên quan
Giải trình việc đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có)
Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư (đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, nếu có).
Giải trình về việc đáp ứng điều kiện về suất đầu tư và lao động sử dụng đối với dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có)
Thông tin đề xuất ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có): Cơ sở pháp lý của ưu đãi (ghi rõ tên văn bản pháp luật, điều khoản áp dụng)
Ưu đãi về thuế nhập khẩu (nếu có): Cơ sở pháp lý của ưu đãi (ghi rõ tên văn bản pháp luật, điều khoản áp dụng)
Ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất (nếu có): Cơ sở pháp lý của ưu đãi (ghi rõ tên văn bản pháp luật, điều khoản áp dụng)
Ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế (nếu có)
Ưu đãi đầu tư đặc biệt (nếu có)
Đề xuất hỗ trợ đầu tư (nếu có)
Lưu ý đối với dự án đầu tư xây dựng
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị: bổ sung thuyết minh việc đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; dự kiến phân chia dự án thành phần (nếu có); sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng không thuộc trường hợp trên: bổ sung dự kiến phân chia dự án thành phần (nếu có).
Có được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư không?
Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020, trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
Đồng thời theo điểm a Khoản 3 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đối với dự án khu đô thị, trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư được nộp hoặc sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư. Trong đó cần lưu ý đề xuất sơ bộ phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư giữ lại để đầu tư kinh doanh, phần hạ tầng đô thị mà nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao hoặc đề xuất bàn giao cho địa phương.
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động thì đề xuất dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản nào?
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như thông thường. Tuy nhiên, cần lưu ý theo Khoản 2 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trong trường hợp này, đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Đề xuất dự án đầu tư công ty vốn nước ngoài. Qúy khách hàng có nhu cầu tư vấn hồ sơ thủ tục pháp lý về dự án đầu tư, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!