Kinh doanh nhà hàng đang là xu hướng và là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư bởi Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là đất nước có nền văn hoá ẩm thực hấp dẫn bậc nhất của châu Á. Đi cùng với sự phát triển của đất nước, mỗi năm số lượng nhà hàng, khách sạn, quán ăn… mở mới là rất lớn. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện cụ thể về vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý
Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
An toàn vệ sinh thực phẩm là điều kiện quan trọng trong kinh doanh nhà hàng, yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện sau:
Điều kiện về nơi chế biến
Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ. Người đứng đầu đơn vị có bếp tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm..
Điều kiện về khu vực chế biến
Khu vực chế biến phải có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô. Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều kiện trong chế biến và bảo quản thực phẩm
Nhà hàng phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn. Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh. Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính. Hoặc được để trong thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng. Và chống sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại. Thực phẩm bày bán được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
Sau đáp ứng các điều kiện trên, nếu doanh nghiệp chưa đăng ký ngành nghề liên quan đến nhà hàng, dịch vụ ăn uống thì tiến hành thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh vào nội dung đăng ký kinh doanh, sau đó thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được kinh doanh bình thường.
Bước 1: Bổ sung ngành nghề kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh
Quý khách hàng có thể tham khảo một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh nhà hàng sau:
STT
Tên ngành nghề kinh doanh
Mã ngành
1
Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động
5610
2
Cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng
5621
3
Dịch vụ ăn uống khác
5629
4
Dịch vụ phục vụ đồ uống
5630
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ( Mục Thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh);
Biên bản về về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần/Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên
Quyết định về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần/Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên/Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên
Văn bản ủy quyền cho cá nhân/tổ chức thực hiện thủ tục
Cơ quan tiếp nhận: Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định
Thủ tục, quy trình cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ.
Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.
Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở
Trong thời gian 10 – 15 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở.
Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
Trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hết hạn tổ chức phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Việt An về điều kiện, thủ tục kinh doanh nhà hàng cần đáp ứng, nếu Qúy khách hàng có nhu cầu thực hiện dịch vụ vui lòng liên hệ với Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh chóng, chuyên nghiệp nhất!