Bổ sung ngành nghề vận tải hàng hóa cho chi nhánh công ty
Hiện nay, khi kinh tế phát triển cùng với sự gia tăng dân số, thì nhu cầu tiêu dùng, sử dụng hàng hóa cũng không ngừng tăng cao. Do đó, việc phân phối, luân chuyển hàng hóa có vai trò quan trọng, là khâu trung gian đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng nắm bắt được xu thế và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa. Khi doanh nghiệp muốn bổ sung ngành nghề này cho chi nhánh thì cần thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh;
Trong trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp không trực tiếp nộp hồ sơ thì ngoài thông báo, cần nộp kèm theo:
Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực;
Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực;
Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc
Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.
Sau khi xem xét, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký hoạt động của chi nhánh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Lưu ý: Chi nhánh chỉ được bổ sung ngành nghề nằm trong những ngành nghề đã đăng ký của doanh nghiệp.
Do kinh doanh vận tải hàng hóa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp nói chung và chi nhánh nói riêng cần thỏa mãn điều kiện chung về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và điều kiện riêng về vận tải hàng hóa.
Thứ nhất, về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Điều 13 Nghị định 86/2014/NĐ-CP):
Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh;
Đáp ứng điều kiện về lái xe và nhân viên phục vụ trên xe;
Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên;
Nơi đỗ xe: Đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
Điều kiện về tổ chức, quản lý.
Thứ hai, điều kiện về vận tải hàng hóa:
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ; đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau:
Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 10 xe trở lên;
Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 05 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 03 xe trở lên.
Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng có thể liên hệ công ty Luật Việt An để được tư vấn về pháp luật doanh nghiệp và các lĩnh vực pháp lý khác!