Các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triểnhộ kinh doanh ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến cho những ai muốn khởi nghiệp một cách đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động kinh doanh đều yêu cầu phải đăng ký chính thức. Thực tế, có những trường hợp nhất định mà hộ kinh doanh vẫn có thể hoạt động mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh.
Hộ kinh doanh là gì? Ai được thành lập hộ kinh doanh?
Hộ kinh doanh là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP nêu rõ: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.
Chủ hộ kinh doanh
Có thể là một trong các đối tượng sau:
Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh
Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Cá nhân, thành viên hộ kinh doanh là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau:
Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Các trường hợp khác theo quy định
Các trường hợp hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
Người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến;
Buôn bán hàng rong: là việc mua, bán hàng hóa không có địa điểm cố định, có thể mua rong, bán rong hoặc vừa mua vừa bán, kể cả việc bán rong sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm do các thương nhân được phép kinh doanh;
Buôn bán vặt: những hoạt động mua bán đối với các mặt hàng nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định;
Bán quà vặt: là việc bán quà bánh, đồ ăn, nước uống có hoặc không có địa điểm cố định;
Buôn chuyến: là việc mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
Người kinh doanh lưu động;
Người kinh doanh thời vụ;
Người làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Lưu ý:
Trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Những trường hợp này vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Một số lý do vì sao hộ kinh doanh trên không cần phải đăng ký kinh doanh.
Thứ nhất, những ngành nghề kinh doanh này có quy mô nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và đời sống xã hội
Thứ hai, những ngành nghề này thường sẽ gắn liền với truyền thống, phong tục, tập quán của người dân Việt Nam.
Thứ ba, những ngành nghề này không thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có yêu cầu về an toàn, an ninh, trật tự xã hội, môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Kinh doanh online có phải đăng ký không?
Kinh doanh online không được xếp vào nhóm đối tượng “người kinh doanh lưu động” mà khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã quy định. Vì vậy, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh online phải đăng ký kinh doanh và khai nộp thuế đúng quy định.
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử có hỗ trợ cơ quan quản lý thuế xác định doanh thu của các shop online nên nhiều chủ shop kinh doanh online nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc: Truy thu số thuế phải nộp bổ sung và phạt chậm nộp thuế. Để tránh các vướng mắc này các chủ Shop nên có hướng kế khai doanh thu đầy đủ cho cơ quan quản lý thuế.
Trường hợp không phải đăng ký kinh doanh có cần phải đóng thuế không?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định rõ người nộp thuế GTGT và TNCN gồm:
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. bao gồm cả một số trường hợp sau đây:
Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
Hợp tác kinh doanh với tổ chức;
Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN;
Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam;
Cá nhân cho thuê tài sản;
Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;
Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân;
Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân;
Doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập cho cá nhân trực tiếp ký hợp đồng đại lý bán đúng giá đối với xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
Như vậy có thể thấy, hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Một số loại thuế cần phải đóng khi kinh doanh dù không đăng ký hộ kinh doanh
Thuế Giá trị gia tăng
Theo phương pháp thuế khoán, dựa trên doanh thu trong từng lĩnh vực, ngành, nghề để nộp thuế theo tỷ lệ:
Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%.
Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%.
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%.
Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Thuế thu nhập cá nhân
Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Trường hợp khác, cá nhân kinh doanh nộp thuế dựa trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề sản xuất kinh doanh
Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%
Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%.
Hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%.
Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%.
Hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp lý về doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.