Theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật chứng khoán thì Chứng quyền có bảo đảm được hiểu là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện. Về bản chất, loại chứng khoán này là hợp đồng giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành chứng quyền.
Ngày 18/01/2018, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước đã ký ban hành quyết định số 72/QĐ-UBCK về việc ban hành quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm. Quy chế này áp dụng đới với loại hình chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết.
Tổ chức chào bán chứng quyền cần đáp ứng điều kiện về hạn mức chào bán chứng quyền như sau:
Số lượng cổ phiếu quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành của tất cả tổ chức phát hành không vượt quá 10% so với tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.
Số lượng cổ phiếu quy đổi từ chứng quyền trong một đợt chào bán của một tổ chức phát hành không vượt quá 1,5% so với tổng số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.
Tổ chức phát hành cần đặc biệt lưu ý về hạn mức phát hành chứng quyền có bảo đảm. Theo đó, tổng giá trị chứng quyền đã phát hành và đăng ký phát hành, không tính số chứng quyền đã hủy niêm yết hoặc đã đáo hạn so với vốn khả dụng tương ứng với từng tổ chức phát hành. Cụ thể:
0% đối với tổ chức phát hành có tỷ lệ vốn khả dụng từ 180% đến 250%;
5% đối với tổ chức phát hành có tỷ lệ vốn khả dụng từ 250% đến 300%;
10% đối với tổ chức phát hành có tỷ lệ vốn khả dụng từ 300% đến 450%;
15% đối với tổ chức phát hành có tỷ lệ vốn khả dụng từ 450% đến 600%;
20% đối với tổ chức phát hành có tỷ lệ vốn khả dụng trên 600%
Tỷ lệ vốn khả dụng để xét hạn mức là mức tối thiểu liên tục trong 06 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền, căn cứ trên báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hàng tháng của tổ chức phát hành gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, Tổng giá trị chứng quyền được tính khác nhau đối với trường hợp chứng quyền đang được đăng ký phát hành và trường hợp chứng quyền đã phát hành.
Lưu ý: Trong tổ chức phát hành bị cảnh báo do không tuân thủ phương án phòng ngừa rủi ro theo quy định, tổ chức phát hành sẽ bị giảm 25% hạn mức về số lượng cổ phiếu quy đổi từ chứng quyền trong một đợt chào bán của một tổ chức phát hành đối với lần đăng ký chào bán kế tiếp.
Trường hợp tổ chức phát hành bị cảnh báo quá 03 lần trong vòng 03 tháng gần nhất, tổ chức phát hành sẽ không được chào bán chứng quyền trong vòng 06 tháng kể từ lần cảnh báo gần nhất.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2018.