Dịch vụ xác nhận gốc là người có quốc tịch Việt Nam
(đối với người các xác nhận quốc tịch Việt Nam)
Khi thực hiện một số thủ tục liên quan như người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam, hoặc các thủ tục liên quan đến thừa kế, sở hữu tài sản, làm hộ chiếu… cần phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác nhận quốc tịch Việt Nam. Thực tế, người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính này. Sau đây, Luật Việt An xin cung cấp đến quý khách hàng bài viết về dịch vụ xác nhận gốc là người có quốc tịch Việt Nam (đối với người các xác nhận quốc tịch Việt Nam).
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Nghị định 07/2025/NĐ-CP, Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam gồm:
Sở Tư pháp
Cơ quan đại diện nơi người xin xác nhận cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ
Điều kiện được xác nhận có quốc tịch Việt Nam
Có đủ căn cứ để xác định là người có quốc tịch Việt Nam
Có các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam như:
Giấy khai sinh (trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ)
Giấy chứng minh nhân dân
Hộ chiếu Việt Nam
Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài; Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
Hoặc có giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó (Trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư)
Hoặc có giấy tờ làm cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam gồm:
Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 01/7/2009, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam
Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam cấp trước ngày 30/4/1975 hoặc giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam
Không thuộc các trường hợp không cho xác nhận quốc tịch Việt Nam
Người yêu cầu không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam
Căn cứ Điều 31 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, người yêu cầu cấp giấy xác nhận có quốc tịch việt nam lập 01 bộ hồ sơ, gồm:
Tờ khai đề nghị cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo Mẫu TP/QT-2024-TKCGXNQTVN.1 ban hành kèm theo Thông tư 04/2024/TT-BTP
Trường hợp người đại diện theo pháp luật đề nghị cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho người được đại diện thì sử dụng tờ khai đề nghị cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo mẫu TP/QT-2024-TKCGXNQTVN.2 ban hành kèm theo Thông tư 04/2024/TT-BTP
02 ảnh 4cm x 6cm chụp chưa quá 06 tháng của người xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam
Bản sao giấy tờ về nhân thân của người xin xác nhận như: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp
Bản sao giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc bản sao giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó
Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên người yêu cầu phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ sau để làm cơ sở xác minh quốc tịch Việt Nam:
Bản sao giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 01/7/2009, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam
Bản sao giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam cấp trước ngày 30/4/1975 hoặc giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam
Trình tự, thủ tục xác nhận gốc là người có quốc tịch Việt Nam
Bước 1: Người đề nghị nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
Phương thức nộp hồ sơ:
Nộp hồ sơ trực tiếp
Nộp trực tuyến qua cổng thông tin dịch vụ công quốc gia
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam
Trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam:
Nếu hồ sơ được nộp tại sở tư pháp, thì sở tư pháp kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản đề nghị bộ tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Bộ tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời sở tư pháp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị. Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì sở tư pháp yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan đã cấp giấy tờ đó tiến hành xác minh và có văn bản trả lời sở tư pháp
Nếu hồ sơ được nộp tại Cơ quan đại diện, thì Cơ quan đại diện kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền trong nước cấp thì Cơ quan đại diện có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan nhận được yêu cầu tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện
Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nhưng có các giấy tờ làm cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam:
Nếu hồ sơ được nộp tại sở tư pháp, thì sở tư pháp chủ động tra cứu hoặc đề nghị bộ tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc bộ tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời sở tư pháp. Cùng với đó, sở tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan công an cùng cấp xác minh về nhân thân của người có yêu cầu; trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của sở tư pháp, cơ quan công an tiến hành xác minh và có văn bản trả lời sở tư pháp
Nếu hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan đại diện chủ động tra cứu hoặc có văn bản kèm theo bản chụp các giấy tờ, thông tin do người yêu cầu cung cấp gửi bộ ngoại giao đề nghị bộ tư pháp, bộ công an tra cứu, xác minh về nhân thân của người có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc bộ tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời bộ ngoại giao; đối với việc xác minh và trả lời kết quả xác minh về nhân thân của bộ công an thì thời hạn là 45 ngày. trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, bộ ngoại giao thông báo bằng văn bản cho cơ quan đại diện.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền trả kết quả giải quyết hồ sơ
Thời hạn trả kết quả giải quyết hồ sơ: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh
Kết quả giải quyết hồ sơ:
Nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào sổ cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho người yêu cầu
Nếu không có cơ sở để cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết
Phí, lệ phí phải nộp khi xin xác nhận quốc tịch Việt Nam
Căn cứ Điều 4 Thông tư 281/2016/TT-BTC, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam là 100.000 đồng/trường hợp. Miễn lệ phí đối với trường hợp người di cư từ Lào được phép cư trú xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kiều bào Việt Nam tại các nước láng giềng có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Có được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ đề nghị xác nhận có quốc tịch Việt Nam không?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giải quyết các việc khác về quốc tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền và không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ. Như vậy, người có yêu cầu xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam phải tự mình thực hiện nộp hồ sơ và không được ủy quyền cho người khác. Trường hợp yêu cầu cầu xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ do người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của người đó thực hiện.
Tư vấn các điều kiện và hồ sơ cần chuẩn bị để đề nghị xác nhận quốc tịch Việt Nam
Hỗ trợ khách hàng soạn thảo tờ khai đề nghị cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật
Hỗ trợ khách hàng thu thập các giấy tờ, tài liệu chứng minh quốc tịch Việt Nam, giấy tờ làm cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam
Hỗ trợ khách hàng trong quá trình nộp hồ sơ xin xác nhận quốc tịch Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền hoặc trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ xác nhận gốc là người có quốc tịch Việt Nam (đối với người các xác nhận quốc tịch Việt Nam)xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!