Trong thời đại ngày nay ghi nhận sự phát triển của thị trường mua bán hàng hóa, cùng với sự ứng dụng của khoa học kỹ thuật hiện đại, các chủng loại hàng hóa ngày càng được đa dạng và mang tính cạnh tranh cao. Song hành cùng với điều đó là trào lưu mua sắm của con người cũng phát triển, do đó, vai trò của kiểu dáng hàng hóa lại càng trở nên quan trọng. Vì vậy, để có thể cạnh tranh trên thị trường hàng hóa ngày càng khốc liệt như hiện nay, bắt buộc các doanh nghiệp cần phải có những mẫu mã, kiểu dáng hàng hóa riêng để có thể phát triển, Điều đó đặt ra việc phải đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của từng các sản phẩm mà mình sáng tạo ra. Vậy, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cần có những điều kiện gì? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết về điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm kết tinh giá trị sáng tạo thẩm mỹ và đáp ứng các điều kiện được pháp luật quy định để được bảo hộ độc quyền sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 có quy định kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện như sau:
Kiểu dáng công nghiệp có tính mới.
Kiểu dáng đó có tính sáng tạo.
Kiểu dáng này có khả năng áp dụng công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới
Yêu cầu về tính mới đối với kiểu dáng công nghiệp là một trong những yếu tố thể hiện đặc điểm khuyến khích sáng tạo của pháp luật bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Sự ra đời và ứng dụng những kiểu dáng kết tinh giá trị thẩm mỹ cao. Theo đó, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu đáp ứng được các điều kiện như:
Kiểu dáng đó phải đáp ứng được sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng đã được công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên (trong trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên).
Hai kiểu dáng công nghiệp được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu có sự khác biệt về những đặc điểm tạo dáng dễ nhận biết và có thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp với nhau. Nếu hai kiểu dáng chỉ có sự khác nhau không rõ ràng, phải quan sát rất tỉ mỉ mới có thể phát hiện được thì kiểu dáng đó không đáp ứng được yêu cầu về tính mới.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và những người này có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
Lưu ý:
Ngoài những trường hợp nêu trên thì sẽ có các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 65 của Luật Sở hữu trí tuệ, tuy rằng kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác nhưng kiểu dáng đó vẫn được xác định là chưa mất tính mới bao gồm:
Trường hợp kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người đăng ký.
Trường hợp được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học Trường hợp kiểu dáng đó được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc đã được thừa nhận là chính thức.
Để được coi là không bị mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp nêu trên thì người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp bắt buộc phải làm đơn đăng ký bảo hộ trong vòng sáu tháng kể từ ngày công bố.
Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo
Điều kiện về tính sáng tạo nghĩa là phải thể hiện được yêu cầu chứng minh những nỗ lực và công sức đã bỏ ra để tạo được kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ độc quyền trong thời gian hữu hạn. Theo đó để có thể đánh giá, thẩm định về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp thì bắt buộc phải tiến hành so sánh các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng kiểu dáng công nghiệp đối chứng tương tự đã tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng hay bất kỳ hình thức nào khác và kiểu dáng đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Người có hiểu biết trung bình là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Theo đó, các kiểu dáng sau đây sẽ không được coi là có tính sáng tạo:
Kiểu dáng đó là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết.
Là hình dáng sao chép hay mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả và các loài động vật, hay hình dáng của các hình hình học mà đã được biết đến rộng rãi.
Kiểu dáng đó chỉ là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm và công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên toàn thế giới.
Đối tượng đó mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc các lĩnh vực khác và sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế.
Như vậy, điều kiện về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp đưa ra yêu cầu: không thể được tạo ra một cách dễ dàng và không thuộc một trong các trường hợp nêu trên
Kiểu dáng công nghiệp có khả năng áp dụng công nghiệp
Khả năng áp dụng công nghiệp chính là yếu tố cơ bản để xác định điều kiện bảo hộ hình dạng bên ngoài của sản phẩm có được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp hay chỉ dừng lại ở việc bảo hộ tác phẩm mỹ thuật.
Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu như sau:
Kiểu dáng sản phẩm phải thể hiện ở hình dạng được tồn tại ổn định và không thuộc các trường hợp hình dạng thay đổi theo tính chất nguyên vật liệu hoặc theo các môi trường khác nhau.
Kiểu dáng sản phẩm đó phải là mẫu để chế tạo hàng loạt các sản phẩm có kiểu dáng tương tự theo phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp màu không yêu cầu thêm những kỹ năng hay kỹ xảo của từng cá nhân hoặc những yêu cầu tương tự khác.
Bên cạnh đó, theo quy định tại pháp luật hiện hành sẽ có những trường hợp những kiểu dáng công nghiệp sẽ bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp, cụ thể như sau:
Đối tượng đi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (như các sản phẩm ở thể khí hay thể lỏng).
Chỉ có thể tạo được ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hay như việc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo sản phẩm có hình dáng như đối tượng đã được nêu trong đơn đăng ký bảo hộ.
Trên đây là bài viết về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về các vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!