Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy vậy, không phải mọi di chúc đều có hiệu lực pháp luật. Do đó, khi lập di chúc, người lập di chúc cần đặc biệt chú ý các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Sau đây, Luật Việt An sẽ trình bày các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự năm 2015;
Khái quát điều kiện có hiệu lực của di chúc
Hiện nay, di chúc hợp pháp được quy định tại Đièu 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Về cơ bản, quy định này có sự kế thừa quy định về di chúc hợp pháp theo Bộ luật Dân sự 2005. Song cũng có những sửa đổi cho phù hợp và bảo đảm tính thống nhất với các quy định khác, đặc biệt là thống nhất với điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Tuy vậy, cũng giống như các quy định trước đây, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng ghi nhận những điều kiện để một di chúc hợp pháp như sau:
Điều kiện về chủ thể lập di chúc;
Điều kiện nội dung di chúc;
Điều kiện hình thức di chúc.
Điều kiện về chủ thể lập di chúc
Người lập di chúc phải có năng lực lập di chúc
Thông thường khi tham gia vào quan hệ dân sự bất kỳ thì chủ thể tham gia phải có năng lực chủ thể, bao gồm năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự:
Năng lực pháp luật dân sự là khả năng của cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự (Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015;
Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập những quyền và nghĩa vụ dân sự (Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015).
Cá nhân lập di chúc luôn được xác định là có năng lực pháp luật trong việc lập di chúc. Tuy nhiên, năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc mới là yếu tố quan trọng và đáng quan tâm. Khả năng này được xác định dựa trên hai yếu tố là độ tuổi và khả năng nhận thức.
Về độ tuổi của người lập di chúc
Theo Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân lập di chúc có thể được phân thành hai nhóm độ tuổi khác nhau, bao gồm người đã thành niên và người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Người lập di chúc là người thành niên: Tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 được tự mình lập di chúc.
Người lập di chúc là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của chủ thể lập di chúc
Đây được coi là yếu tố quna trọng để xác định một người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để xác lập giao dịch dân sự hay không. Theo đó, khi lập di chúc, người lập di chúc bắt buộc phải trong trạng thái minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt, đủ khả năng nhận thức để thực hiện hành vi.
Như vậy, người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác khiến họ không thể nhận thức và làm chủ hành vi thì không được lập di chúc.
Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện
Ý chí của người lập di chúc là một trong những điều kiện nhằm đảm bảo di chúc thể hiện đúng ý nguyện của người lập di chúc về việc dịch chuyển tài sản của họ sau khi chết.
Theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị đe dọa hoặc cưỡng ép.
Người lập di chúc bị cưỡng ép: Cưỡng ép có thể hiểu là bị ép buộc, bắt ép một người làm trái ý muốn của họ. Về mặt thể chất, có thể người lập di chúc bị người khác đánh đạp, bị giam lỏng hay bị tra tấn,… để làm theo ý muốn của họ. Về tinh thần, có thể người lập di chúc bị người khác có những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của người lập di chúc khiến người lập di chúc hoảng loạn về mặt tinh thần để làm theo ý muốn của họ.
Người lập di chúc bị đe dọa: Đe dọa có tính chất gần cưỡng ép nhưng ở mức độ khác, tức là người lập di chúc chưa đến mức bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tinh thần mà nó chỉ dừng lại ở mức độ đe dọa, dọa dẫm thực hiện các hành vi khiến người lập di chúc hoang mang, lo sợ, buộc phải thực hiện theo ý chí người đe dọa.
Người lập di chúc bị lừa dối: Lừa dối được hiểu là hành vi cố ý, có thê tác động dưới dạng hành đồng nhằm tác động trực tiếp đến ý người lập di chúc, như việc đưa thông tin sai lệch, thất thiệt, vu cáo để người lập di chúc để lại di sản truất quyền thừa kế của người khác hoặc thậm chí làm sai lệch nội dung di chúc rồi đưa người khác ký,..
Điều kiện về nội dung di chúc
Theo điểm b Khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc chỉ hợp pháp khi nó đáp ứng điều kiện về nội dung, cụ thể nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Không vi phạm điều cấm của luật: Nội dung di chúc phải không được vi phạm các quy định mà luật đã cấm, không cho phép chủ thể thực hiện. Ví dụ di chúc nhằm định đoạt tài sản là ma túy, vũ khí quân dụng mà đây là các loại mà Bộ luật Hình sự cấm tàng trữ, sử dụng, vận chuyển và mua bán, do đó việc định đoạt những tài sản này trong di chúc là vô hiệu.
Không trái đạo đức xã hội: Nội dung di chúc không trái những chuẩn mực đạo đức xã hội, đã được mọi người thừa nhận và tôn trọng trong một phạm vi nhất định. Ví dụ ông A lập du chúc với nội dung để lại toàn bộ tài sản cho vợ là bà B với điều kiện bà B phải từ mặt và không được gặp gỡ, liên lạc, giúp đỡ con trai là anh C. Như vậy, nội dung di chúc thể hiẹn việc ngăn cản tình cảm mẹ con là trái luân thường đạo lý, đạo đức xã hội nên không đảm bảo tính hợp pháp.
Điều kiện về hình thức di chúc
Hình thức di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc. Theo Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc phải lập thành văn bản, nếu không lập được di chúc bằng văn bản thì có thể là di chúc miệng. Như vậy, hiện nay pháp luật đã ghi nhận hai hình thức di chúc là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản.
Di chúc miệng
Di chúc miệng được hiểu là sự bày tỏ ý chí của người lập di chúc thông qua hình thức bằng lời nói để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo Điều 629 và 630 Bộ luật Dân sự 2015, việc lập di chúc miệng phải thỏa mãn những điều kiện sau:
Tiêu chí
Điều kiện có thể lập di chúc miệng
Tình huống
Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Lưu ý: Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Chủ thể
Người lập di chúc phải là người đã thành niên
Người làm chứng
Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Công chứng chứng thực
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản được hiểu là sự bày tỏ ý chí của người lập di chúc thông qua hình thức chữ viết để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Hiện nay Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận 4 loại di chúc bằng văn bản như sau:
STT
Loại di chúc bằng văn bản
Điều kiện
1
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
– Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
– Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật Dân sự.
2
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
– Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.
– Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
3
Di chúc bằng văn bản có công chứng
– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
– Trường hợp còn lại, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
4
Di chúc bằng văn bản có chứng thực
Lưu ý:
Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
Dịch vụ pháp lý về di chúc của Luật Việt An
Tư vấn về điều kiện có hiệu lực pháp luật của di chúc;
Tư vấn lập di chúc, tư vấn nội dung di chúc hợp pháp;
Dịch vụ khi nhận di sản thừa kế theo pháp luật;
Tư vấn phân chia di sản thừa kế theo pháp luật;
Tư vấn phân chia di sản thừa kế theo di chúc;
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế, đại diện khách hàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Như vậy, đối với từng đối tượng và trường hợp cụ thể mà người lập di chúc cần lưu ý các điều kiện về hình thức để di chúc mình lập ra có hiệu lực pháp luật. Mọi thông tin, khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
Bài viết được cập nhật đến tháng 5/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ.