Điều kiện đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển như hiện nay, vấn đề bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa không chỉ được quan tâm và thực hiện ở phạm vi quốc gia mà còn mang tính quốc tế đặc biệt là với những doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Chính bởi vậy việc đăng ký nhãn hiệu theo nghị định thư Madrid đang trở nên phổ biến. Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách thông tin về điều kiện đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid.
Cơ sở pháp lý
Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa;
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Nghị định thư Madrid là gì?
Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa được ký kết tại thủ đô Marid, Tây Ban Nha ngày 14 tháng 04 năm 1891. Nội dung của Nghị định thư là thiết lập một thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu để đơn giản hóa việc đăng ký nhãn hiệu và giảm chi phí cho người nộp đơn khi đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.
Hiện nay Nghị định thư Madrid đang có 130 thành viên trong đó có cả Việt Nam.
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện tương tự như đối với đăng ký nhãn hiệu trong nước thì doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo nghị định thư Madrid cần chú ý các điều sau:
Nghị định thư Madrid chỉ cấp nhận hồ sơ của cá nhân mang quốc tịch nước là thành viên của nghị định thư Madrid hoặc tổ chức có cơ sở kinh doanh hợp pháp tại nước là thành viên của nghị định thư Madrid.
Đơn đăng ký cần dựa trên đơn đăng ký cơ sở đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Việc đăng ký nhãn hiệu được tiến hành tại 01 quốc gia là thành viên của Nghị định thư Madrid.
Lưu ý:
Thời hạn thẩm định đơn: 18 tháng;
Thời hạn bảo hộ: 10 năm (có thể gia hạn thêm);
Ngôn ngữ nộp đơn: tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Phân biệt nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid
Tiêu chí
Nghị định thư Madrid
Thỏa ước Madrid
Cơ sở đăng ký
Đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Điều kiện nộp đơn
Doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế ngay sau khi đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở nước sở tại mà không cần phải đợi đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước đó
Doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế sau khi đã được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại
Thời hạn thẩm định đơn
18 tháng
12 tháng
Thời hạn bảo hộ
10 năm (có thể gia hạn)
20 năm (có thể gia hạn)
Ngôn ngữ nộp đơn
Tiếng Anh hoặc tiếng Pháp
Tiếng Pháp
Mức độ phụ thuộc vào Giấy chứng nhận gốc tại nước xuất xứ
Không đề cập đến vấn đề này
Sẽ bị mất hiệu lực bảo hộ nếu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước xuất xứ bị hủy bỏ vì bất kỳ lý do gì.
Điều kiện đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid
Để đăng ký nhãn huệ theo Nghị định thư Madrid, người nộp đơn phải nắm rõ và tuân thủ quy trình được quy định bởi pháp luật sở hữu trí tuệ. Sơ đồ tóm tắt quy trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid như sau:
Bước 1: Tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu.
Đây mặc dù là giai đoạn không bắt buộc trong quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo nghị định thư Madrid nhưng lại quan trọng khi tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bởi doanh nghiệp khi muốn đăng ký thì nên tra cứu trước khả năng bảo hộ của nhãn hiệu cần đăng ký để tránh được những rủi ro khi đơn đăng ký quốc tế bị từ chối do nhầm lẫn với các đơn đăng ký trước đó hoặc thuộc các trường hợp từ chối cấp đơn khác theo quy định.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đơn đăng ký bảo hộ
Sau khi tra cứu nhãn hiệu sơ bộ và đảm bảo nhãn hiệu không tương tự hoặc gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại các quốc gia thì doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế theo nghị định thư Madrid tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua Cục sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Thẩm xét hình thức đơn và đăng công báo
Sau khi nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến Văn phòng quốc tế của WIPO. Tại đây, đơn sẽ được thẩm định về mặt hình thức, bao gồm tư cách người nộp đơn, mẫu nhãn hiệu, mẫu đơn, danh mục hàng hóa, dịch vụ….Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đơn đăng ký quốc tế sẽ được ghi nhận trong đăng bạ quốc tế và được công bố trong công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO.
Bước 4. WIPO thẩm định hình thức và chuyển tải yêu cầu bảo hộ tới Cơ quan đăng ký nhãn hiệu của các quốc gia chỉ định
Văn phòng quốc tế thông báo cho từng bên tham gia nhận được yêu cầu bảo hộ trong đơn quốc tế hoặc chỉ định (Các quốc gia chỉ định như Mỹ, Nhật, EU). Từ ngày đăng ký quốc tế hoặc chỉ định sau, việc bảo hộ nhãn hiệu tại từng bên tham gia được chỉ định sẽ giống như khi nhãn hiệu đó được nộp trực tiếp tại cơ quan của bên tham gia đó. Mỗi bên tham gia được chỉ định thẩm định nội dung đơn trong khoảng thời gian quy định theo Nghị định thư Madrid và sau đó thông báo kết quả thẩm định cho Văn phòng quốc tế.
Bước 5: Cấp đơn đăng ký bảo hộ hoặc thông báo từ chối cấp đơn đăng ký bảo hộ
Trong khoảng từ 16-18 tháng:
Nếu cơ quan nhãn hiệu của nước chỉ định không ra thông báo từ chối thì nhãn hiệu đương nhiên tự động được bảo hộ tại nước đó.
Nếu cơ quan nhãn hiệu của nước chỉ định có lý do để không chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu thì sẽ gửi Thông báo từ chối tạm thời việc đăng ký nhãn hiệu đó cho chủ nhãn hiệu. Chủ nhãn hiệu sẽ tiến hành trả lời/khiếu nại Thông báo từ chối theo đúng quy định của quốc gia thành viên đó.
Thủ tục thẩm định đơn đăng ký theo hệ thống Madrid được tiến hành độc lập tại mỗi quốc gia được chỉ định. Việc từ chối bảo hộ của một quốc gia này không ảnh hưởng đến hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu hay quá trình xem xét bảo hộ ở các nước còn lại.
Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam cần đáp ứng những gì?
Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định ít nhất một nước là thành viên Nghị định thư Madrid, kể cả đồng thời chỉ định nước là thành viên Thoả ước Madrid phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp;
Người nộp đơn phải nộp tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP. Trong tờ khai cần chỉ rõ các nước là thành viên Nghị định thư Madrid mà người nộp đơn muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu phải được làm bằng cách điền chính xác, đầy đủ thông tin vào các mục dành cho người nộp đơn và phải gắn kèm các mẫu nhãn hiệu đúng như mẫu nhãn hiệu đã được đăng ký tại Việt Nam;
Người nộp đơn cần tính sơ bộ tổng số phí, lệ phí theo biểu lệ phí in trên mẫu đơn hoặc có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thông báo chính xác số phí, lệ phí cần phải nộp cho Văn phòng quốc tế. Người nộp đơn phải thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí đó cho Văn phòng quốc tế và phải nộp thêm các khoản lệ phí, phí liên quan theo quy định cho Cục Sở Người nộp đơn phải bảo đảm các thông tin (đặc biệt về tên, địa chỉ của người nộp đơn, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu là chính xác, kể cả về ngôn ngữ, dịch thuật và thống nhất với các thông tin ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở tương ứng. Người nộp đơn có trách nhiệm nộp các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế;
Mọi thư từ, giao dịch liên quan đến đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đều được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thông báo kịp thời các yêu cầu của người nộp đơn cho Văn phòng quốc tế và ngược lại, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo nghị định thư Madrid
Tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam (Mẫu số 01 bằng tiếng Việt tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
02 tờ khai MM2 theo mẫu của Văn phòng quốc tế bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp;
02 mẫu nhãn hiệu đúng như nhãn hiệu trong đơn đăng ký đã được nộp tại Việt Nam (đơn cơ sở) hoặc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (đăng ký cơ sở);
02 tờ khai MM18 bằng tiếng Anh (nếu đơn có chỉ định Hoa Kỳ);
Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (nếu đơn nộp thông qua đại diện);
Chứng từ nộp phí thực hiện thủ tục đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam;
Các tài liệu khác có liên quan (nếu cần).
Hình thức nộp đơn đăng Madrid
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:
Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ đơn qua bưu điện, công ty cổ phần cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
Trên đây là những tư vấn của Luật Việt An về điều kiện đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid, nếu quý khách quan tâm đến việc bảo hộ quốc tế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!