Điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ giáo dục dạy nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài
Giáo dục dạy nghề có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và xã hội. Vì vậy, công tác dạy nghề được nhà nước đẩy mạnh từ các năm gần đây. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các dịch vụ giáo dục dạy nghề do người nước ngoài cung cấp được người dân sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là các ngành nghề khó, cần chuyên môn và ngoại ngữ. Tuy nhiên đây lại là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện chặt chẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Để nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn đầu tư kinh doanh dịch vụ giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam thì Công ty luật Việt An xin tư vấn về điều kiện kinh doanh dịch vụ giáo dục dạy nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
WTO, FTAs
Luật Dạy nghề 2006
Nghị định 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015
Điều kiện đầu tư
Theo WTO, FTAs
Chỉ cam kết trong các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ.
Phạm vi: cung cấp dịch vụ dạy nghề trong các phân ngành giáo dục cho người lớn và dịch vụ giáo dục khác (bao gồm đào tạo ngoại ngữ).
Chương trình đào tạo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.
Theo AANZFTA
Chỉ cam kết trong các lĩnh vực nông nghiệp, kiến trúc, đóng tàu (buiding), quản trị doanh nghiệp, quản lý, khoa học máy tính, xây dựng, hệ thống thông tin, dịch vụ nha khoa, kinh tế học, sư phạm, kỹ thuật, môi trường, khảo sát, dịch vụ cộng đồng, đất đai và tài nguyên biển, chăn nuôi, nghiên cứu ngôn ngữ, luật, nghiên cứu quy phạm pháp luật, khoa học đời sống, sản xuất, toán học, khoa học y tế, y học, giáo dục đa lĩnh vực, điều dưỡng, dược, khoa học vật lý, khoa học, dịch vụ, ẩm thực và du lịch, vận tải, khoa học thú y, nghệ thuật biểu diễn và thị giác.
Phạm vi: cung cấp dịch vụ dạy nghề trong các phân ngành giáo dục cho người lớn và dịch vụ giáo dục khác (bao gồm đào tạo ngoại ngữ).
Chương trình đào tạo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.
Theo Pháp luật Việt Nam
Suất đầu tư
Trung tâm dạy nghề: ít nhất là 60 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
Trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề; dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng: ít nhất là 100 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng vốn đầu tư ít nhất được tính tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 100 tỷ đồng;
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức nêu trên.
Cơ sở vật chất
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Giai đoạn đầu tư tối đa là 05 (năm) năm, cơ sở này phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất cần thiết, ổn định để triển khai đào tạo, giảng dạy và phải bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo đúng tiến độ của dự án.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký hoạt động dưới 20 năm không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận thuê trường, lớp, nhà xưởng, các diện tích phụ phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất là 05 (năm) năm.
Trên đây là tư vấn của Công ty luật Việt An. Qúy khách hàng quan tâm hoặc có thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Công ty để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.