Gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là thủ tục bắt buộc cần thực hiện để duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu đã được cấp văn bằn bảo hộ. Gia hạn nhãn hiệu được bảo hộ mỗi lần là 10 năm. Mục đích của thủ tục gia hạn là duy trì tính toàn vẹn của hệ thống nhãn hiệu và đảm bảo rằng các lợi ích của nhãn hiệu đang được sử dụng, ngăn chặn việc “tích trữ” nhãn hiệu hoặc ngăn chặn việc một cá nhân/tổ chức cố tình ngăn người khác sử dụng các nhãn hiệu không được sử dụng trong thương mại.
Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hiệu lực thời gian
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.”
Ngoài ra, đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.
Gia hạn nhãn hiệu được bảo hộ mỗi lần là 10 năm
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ và Khoản 1 Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
Như vậy:
Số lần gia hạn nhãn hiệu: Không giới hạn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp.
Thời hạn hiệu lực mỗi lần gia hạn: 10 năm.
Đối tượng: đối với toàn bộ hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ.
Có thể thấy, so với kiểu dáng công nghiệp, nếu như Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không bị giới hạn số lần gia hạn mà có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn cũng dài hơn kiểu dáng công nghiệp, cụ thể là 10 năm.
Ví dụ:
Ngày 01/01/2023, chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày 01/12/2024 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Như vậy, nhãn hiệu sẽ có hiệu lực bảo hộ từ ngày 01/12/2024 và thời hạn bảo hộ là 10 năm tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/01/2033. Sau khoảng thời gian này, chủ văn bằng cần phải tiến hành gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nếu muốn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu. Nếu gia hạn thành công và được ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ tiếp là 10 năm.
Có được gia hạn nhãn hiệu muộn không?
Theo Khoản 3 Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về Gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quy định như sau:
“Hồ sơ yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trong vòng 06 tháng tính đến ngày Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Yêu cầu gia hạn có thể nộp sau thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí cho mỗi tháng bị muộn theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.”.
Như vậy, có thể gia hạn nhãn hiệu muộn so với thời hạn quy định nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ Giấy chứng nhận nhãn hiệu phải nộp lệ phí cho mỗi tháng bị muộn.
Cụ thể, theo quy định của Thông tư 263/2016/TT-BTC, lệ phí gia hạn hiệu lực muộn: 10% lệ phí gia hạn/mỗi tháng nộp muộn, với mức lệ phí gia hạn hiệu lực: 100.000 đồng/nhóm.
Lưu ý cách tính thời hạn liên quan đến gia hạn nhãn hiệu
Theo Điều 15 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, cách tính thời hạn được quy định như sau:
Cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định về thời hạn của Bộ luật dân sự.
Thời hạn dành cho người nộp đơn và bên liên quan tiến hành việc nộp, sửa đổi, bổ sung tài liệu hoặc có ý kiến có thể được gia hạn một lần bằng đúng thời hạn đã được ấn định trong thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, với điều kiện người yêu cầu gia hạn phải nộp văn bản yêu cầu gia hạn trước ngày kết thúc thời hạn ấn định và nộp lệ phí yêu cầu gia hạn theo quy định.
Không tính vào thời hạn khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong phạm vi thời hạn nếu tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu và có chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng đó.
Trường hợp yêu cầu được chấp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định, thông báo thu hồi quyết định, thông báo đã ban hành với lý do tổ chức, cá nhân không thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng thời hạn và khôi phục quá trình xử lý đơn trở về tình trạng như chưa kết thúc thời hạn.
Không gia hạn nhãn hiệu thì có bị hủy văn bằng bảo hộ không?
Căn cứ Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:
“Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định…”
Như vậy, nếu chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không tiến hành thủ tục gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Khi đó, chủ sở hữu sẽ mất quyền đối với nhãn hiệu.
Lưu ý: Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng bảo hộ tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu kỳ hiệu lực tiếp theo mà phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực không được nộp.
Có thể yêu cầu gia hạn nhãn hiệu cho nhiều đối tượng cùng lúc không?
Theo Khoản 1 Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về hồ sơ gia hạn nhãn hiệu, trong một hồ sơ có thể yêu cầu gia hạn hiệu lực cho một hoặc nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng loại đối tượng và cùng chủ sở hữu.
Như vậy có thể yêu cầu gia hạn cho nhiều đối tượng nhãn hiệu nếu có cùng chủ sở hữu.
Việc gia hạn nhãn hiệu có ý nghĩa rất quan trọng. Mặc dù có thể gia hạn nhiều lần nhưng gia hạn nhãn hiệu được bảo hộ mỗi lần là 10 năm. Qúy khách hàng có nhu cầu tư vấn thủ tục gia hạn hay các thủ tục liên quan đến nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Đại diện Sở hữu trí tuệ – Công ty luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!