Thẩm định pháp lý về tuân thủ (Compliance Due Diligence – CDD) là một trong những loại hình thẩm định pháp lý phổ biến mà doanh nghiệp cần thực hiện trong suốt quá trình hoạt động của mình. Đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, đòi hỏi sự rà soát thường xuyên các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Trong bài viết dưới đây, các nội dung quan trọng cần lưu ý trong quá trình thẩm định pháp lý tuân thủ của doanh nghiệp sẽ được Luật Việt An trình bày khái quát cho Quý khách nắm bắt sơ bộ dịch vụ này.
Ai là người cần thực hiện thẩm định pháp lý tuân thủ?
Giao dịch M&A: Bên mua thường là bên phải thẩm định xem công ty của bên bán đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý chưa, trước khi quyết định đầu tư mua lại một phần/ toàn bộ công ty.
Trong hoạt động thông thường: chính Công ty có các hoạt động cần thẩm định (công việc thẩm định này còn có thể gọi là Legal Audit).
Đối tượng thẩm định tính tuân thủ pháp lý
Ngoài đối tượng thẩm định tuân thủ trong giao dịch M&A là các công ty mục tiêu, thì hoạt động thẩm định tuân thủ thường xuyên hơn lại diễn ra trong chính các công ty có các hoạt động cần thẩm tra nhằm mục đích tự rà soát, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ. Từ đó, chủ thể thực hiện thẩm định có thể kiểm tra và cải thiện tình hình tuân thủ pháp luật của công ty, doanh nghiệp của mình hoặc của giao dịch đang hướng đến.
Nội dung thẩm định
Thẩm định tuân thủ trong giao dịch M&A
Kiểm soát tuân thủ nội bộ (cơ cấu, mục tiêu, trách nhiệm bộ phận kiểm soát tuân thủ, các quy tắc tuân thủ nội bộ, và các lệnh trừng phạt);
Kiểm tra hệ thống tuân thủ quy chế/ điều lệ/ nội quy nội bộ định kỳ và tập huấn liên quan;
Các khiếu nại, tố cáo nội bộ;
Mô hình kinh doanh (mối quan hệ với các đối tác lớn);
Hồ sơ tuân thủ: các cuộc điều tra, quyết định xử phạt của các cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương.
Thẩm định tuân thủ trong hoạt động thông thường
Nội dung thẩm định có thể bao gồm tất cả các khía cạnh liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty như giấy phép, lao động, thuế, môi trường, sản xuất…
Duy trì đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện;
Quy trình cấp giấy phép kinh doanh đúng thẩm quyền, thủ tục và đúng luật;
Thời hạn các giấy phép con kinh doanh chuyên ngành;
Quá trình tuân thủ pháp luật chuyên ngành và chứng chỉ hành nghề cần thiết của nhân sự khi có sự chuyển giao/ tái cơ cấu;
Tuân thủ các quy định về báo cáo hoạt động, thuế, tài chính hằng năm theo luật định;
Tính hợp pháp của nội quy lao động / thỏa ước lao động tập thể về mặt nội dung và hình thức, thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước;
Giấy phép lao động của nhân viên công ty, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến lao động đặc biệt là lao động nước ngoài.
Kiểm tra biển hiệu, hệ thống xử lý rác thải, chất thải nguy hại, phòng cháy chữa cháy, an toàn phóng xạ và các hệ thống khác theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường…
Cơ sở pháp lý cho thẩm định tuân thủ
Điều ước quốc tế (Cam kết WTO, AFAS, v.v.) – đối với giao dịch có vốn đầu tư nước ngoài
Luật Đầu tư
Luật Doanh nghiệp
Luật Cạnh tranh (Tập trung kinh tế)
Bộ luật Lao động (hợp đồng, chế độ tối thiểu NLĐ được hưởng, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, Giấy phép lao động)
Bộ luật Dân sự (phần hợp đồng)
Luật Thương mại (phần hợp đồng)
Pháp luật chuyên ngành liên quan: Luật Giáo dục, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật đất đai, Luật Kinh doanh bảo hiểm, v.v.
Tại sao cần thực hiện thẩm định pháp lý?
Tính tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy chế nội bộ
Khắc phục các vi phạm hiện hữu và tiềm tàng
Giảm thiểu hậu quả pháp lý có thể phát sinh từ việc không tuân thủ
Rút kinh nghiệm trong hoạt động tuân thủ pháp luật