Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ
Hiện nay, hoạt động kinh doanh vàng ngày càng phát triển. Bên cạnh hoạt động mua, bán vàng; xuất nhập khẩu vàng thì các cơ sở sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ngày càng phát triển. Để được hoạt động hợp pháp, doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Để giúp khách hàng hiểu rõ hơn, sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn những lưu ý về Giấy chứng nhận này theo quy định pháp luật.
Căn cứ pháp lý
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 38/2015/TT-NHNN, Thông tư số 03/2017/TT-NHNN, Thông tư số 29/2019/TT-NHNN, Thông tư 15/2021/TT-NHNN, Thông tư 24/2022/TT-NHNN.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận
Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Để hoạt động doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận đủ điều kiện)
Theo Điều 5 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
Theo Điều 16 Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng thuộc về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thành phần hồ sơ
STT
Thành phần hồ sơ
Người chuẩn bị
1
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
Luật Việt An chuẩn bị
2
Văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm sản xuất; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Khách hàng chuẩn bị
3
Trường hợp điều chỉnh địa điểm sản xuất trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện, hồ sơ kèm theo văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm sản xuất; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa chỉ mới.
Khách hàng chuẩn bị
4
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An tiến hành thủ tục
Luật Việt An chuẩn bị
Thủ tục thực hiện
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện được quy định tại Điều 16 Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, được sửa đổi qua các thời điểm và được hướng dẫn tại Quyết định 109/QĐ-NHNN năm 2023, cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Cách thức thực hiện:
Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; hoặc
Qua dịch vụ bưu chính.
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiếp nhận và kiểm tra thực tế
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, chi nhánh tiến hành kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.
Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận
Căn cứ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục và kết quả kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Một số câu hỏi thường gặp
Các loại giấy phép thường có khi kinh doanh vàng?
Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng: phải có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ: phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu: phải có hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu
Hộ kinh doanh có được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng không?
Theo Điều 5 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng thì một trong những điều kiện đó là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, hộ kinh doanh không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, mỹ nghệ.
Phí, lệ phí khi xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức mỹ nghệ?
Hiện nay pháp luật không quy định lệ phí đối với loại giấy tờ này. Do đó, doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận này không phải mất lệ phí, phí.
Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận thì doanh nghiệp có cần nộp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?
Theo Thông tư 24/2022/TT-NHNN, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng là loại giấy tờ đã bị bãi bỏ trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Vì vậy, doanh nghiệp không cần nộp loại giấy tờ này.
Doanh nghiệp sản xuất vàng, trang sức mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận thì bị xử lý như thế nào?
Trước đây, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không có Giấy chứng nhận bị xử phạt theo Khoản 4 Điều 25 Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên văn bản thay thế cho Nghị định 96/2014/NĐ-CP là Nghị định 88/2019/NĐ-CP không còn quy định xử phạt đối với hành vi này nữa.
Hiện nay, việc xử phạt đối với hành vi sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện đang áp dụng theo Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Theo đó, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh hoặc sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh thì có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng (mức phạt đối với doanh nghiệp).
Dịch vụ pháp lý về giấy phép của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về điều kiện, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;
Soạn thảo hồ sơ, tổng hợp tài liệu, tư vấn bộ hồ sơ tiến hành thủ tục theo quy định;
Đại diện cho khách hàng, tiến hành thủ tục tại cơ quan nhà nước và giải quyết những vấn đề theo yêu cầu;
Tư vấn hồ sơ, thủ tục thành lập công ty sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ;
Đăng ký hóa đơn, kê khai thuế, mua chữ ký số, làm biển công ty và các dịch vụ sau thành lập cho doanh nghiệp;
Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp;
Tư vấn những vấn đề pháp lý thường xuyên sau khi được cấp Giấy chứng nhận.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thủ tục Giấy chứng nhận đủ điều kiện vàng trang sức, mỹ nghệ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!
Bài viết được cập nhật đến tháng 4/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ.