Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho doanh nghiệp
Hiện nay thị trường kinh doanh vàng ngày càng được phát triển. Kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh đặc thù phải đảm bảo tuân thủ điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định. Vậy khi kinh doanh mua bán vàng miếng, doanh nghiệp cần lưu ý Giấy phép như thế nào? Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 143/2021/NĐ-CP.
Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 38/2015/TT-NHNN, Thông tư số 03/2017/TT-NHNN, Thông tư số 29/2019/TT-NHNN, Thông tư 15/2021/TT-NHNN, Thông tư 24/2022/TT-NHNN.
Quyết định 109/QĐ-NHNN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại bộ phận một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Kinh doanh mua bán vàng miếng là gì?
Khái niệm
Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Điều kiện kinh doanh
Theo Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, chủ thể có quyền kinh doanh vàng miếng bao gồm doanh nghiệp hoặc các tổ chức tín dụng đáp ứng điều kiện.
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý, chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Đồng thời phải có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Thẩm quyền cấp Giấy phép
Theo Điều 15 Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể Vụ Quản lý Ngoại hối là cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin Giấy phép.
Thành phần hồ sơ
Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 38/2015/TT-NHNN, Thông tư số 03/2017/TT-NHNN, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh);
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và tài liệu chứng minh địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo danh sách đã được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 (hai) năm liền kề trước đó;
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 02 (hai) năm liền kề trước đó;
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An tiến hành thủ tục.
Thủ tục thực hiện
Trình tự, thủ tục tiến hành xin Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho doanh nghiệp được quy định tại Điều 15 Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 38/2015/TT-NHNN, Thông tư số 15/2021/TT-NHNN và hướng dẫn cụ thể tại Quyết định số 109/QĐ-NHNN, bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng miếng nộp trực tiếp tại Bộ phân một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính ện 01 (một) bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn kiểm tra về giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh và tình hình trang thiết bị cần thiết để triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).
Bước 3: Cấp Giấy phép kinh doanh.
Căn cứ các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, Vụ Quản lý Ngoại hối trình Thống đốc xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính là Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng theo mẫu Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư số 29/2019/TT-NHNN.
Xử lý vi phạm liên quan đến kinh doanh mua, bán vàng miếng
Doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp theo Điều 24 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 143/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
Về hình thức phạt tiền
Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng không đúng quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
Lưu ý: Đối với doanh nghiệp, mức phạt trên là gấp đôi.
Về hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu số vàng đối với hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
Một số lưu ý cho doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng
Phí, lệ phí về Giấy phép: Không
Tên mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng: theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN.
Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Cách thức thực hiện: Trụ sở cơ quan hành chính (trực tiếp tại Bộ phận Một cửa); hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Doanh nghiệp không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ khi có thay đổi nội dung về thông tin doanh nghiệp trên Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép kinh doanh bằng việc gửi hồ sơ điều chỉnh Giấy phép kinh doanh đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dịch vụ pháp lý của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về điều kiện, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
Soạn thảo hồ sơ, tổng hợp tài liệu, tư vấn bộ hồ sơ tiến hành thủ tục theo quy định;
Đại diện cho khách hàng, tiến hành thủ tục tại cơ quan nhà nước và giải quyết những vấn đề theo yêu cầu;
Tư vấn những vấn đề pháp lý thường xuyên sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thủ tục Giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh vàng, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!
Bài viết được cập nhật đến tháng 4/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ.