Hai công ty có thể cùng sử dụng chung nhãn hiệu không?
Nhãn hiệu là tài sản vô hình có giá trị của mỗi doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh và tạo dựng lòng tin với khách hàng. Vậy liệu hai công ty có thể cùng sở hữu và sử dụng một nhãn hiệu? Câu trả lời không hề đơn giản và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Việc cùng sử dụng một nhãn hiệu đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt pháp lý, thương mại và chiến lược kinh doanh. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề pháp lý liên quan đến việc hai công ty có thể cùng sử dụng chung nhãn hiệu không, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn cho doanh nghiệp của mình.
Khi nào hai công ty có thể cùng sử dụng chung nhãn hiệu?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hai công ty có thể cùng sử dụng chung nhãn hiệu trong một số trường hợp cụ thể. Thông thường, điều này xảy ra đối với việc sử dụng nhãn hiệu trong trường hợp:
Sử dụng nhãn hiệu tập thể
Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Li xăng quyền sử dụng nhãn hiệu
Chuyển nhượng một phần quyền sở hữu nhãn hiệu
Sử dụng nhãn hiệu tập thể
Theo khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022:
“Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.”
Quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể được quy định tại khoản 3 Điều 87 thuộc về các tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Hiện nay, các nhãn hiệu tập thể ở Việt Nam như Giò chả ước lễ, hình, Gà Đồi Ba Vì, hình, Gà Mía Sơn Tây, hình, Cốm Làng Vòng, hình, đều do Hợp tác xã, các tổ chức hội chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Làng nghề truyền thống, Hội chăn nuôi… đứng ra đăng ký cho các thành viên được sử dụng chung. Tuy nhiên, thực tế các thành viên này thường được hình thành dưới dạng hợp tác xã nhỏ, hộ kinh doanh, một số ít thành lập và hoạt động dưới loại hình công ty.
Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
Khái niệm nhãn hiệu chứng nhận được quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
“Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.”
Theo quy định tại khoản 4 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký nhãn hiệu, tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Thực tế, đa số các nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam như Vietnam Value, hình, Chè Ba Vì, hình, Rau an toàn Hà Nội, hình, đều do các cơ quan có thẩm quyền đăng ký cấp phép như Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân huyện/quận, Chi cục bảo vệ thực vật. Một số ít các nhãn hiệu chứng nhận do các tổ chức phi chính phủ đứng ra làm chủ sở hữu, chẳng hạn như:
Nhãn hiệu VINACERT CERTIFICATION VNC, hình do Công ty cổ phần chứng nhận và giám định VinaCert làm chủ đơn;
Nhãn hiệu Cúp vàng Danh nhân Văn hoá, hình do Công ty cổ phần xúc tiến thương mại Thanh niên Việt Nam làm chủ đơn.
Khi đó, các công ty muốn sử dụng chung nhãn hiệu chứng nhận đều phải được sự đồng ý của chủ sở hữu dựa trên các quy chế chung.
Việc đồng ý sử dụng chung nhãn hiệu chứng nhận phải dựa trên quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận với nội dung như quy định tại khoản 5 Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các thông tin về điều kiện, đặc tính của hàng hóa, dịch vụ làm cơ sở xem xét, phương pháp đánh giá, kiểm soát việc sử dụng chung nhãn hiệu và chi phí sử dụng chung nhãn hiệu liên quan.
Li xăng quyền sử dụng nhãn hiệu
Theo khoản 1 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (hay còn gọi là li-xăng) như sau: “Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình”.
Li-xăng nhãn hiệu được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép một pháp nhân hoặc cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu của mình trên một vùng lãnh thổ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó nhãn hiệu được li-xăng phải thuộc quyền sử dụng của bên giao li xăng.
Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp). Hợp đồng Li-xăng bao gồm 3 loại, đó là:
Hợp đồng Li-xăng độc quyền là hợp đồng mà theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền/ Bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi, thời hạn chuyển giao.
Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác;
Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng sử dụng nhãn hiệu khác.
Thủ tục đăng ký li xăng nhãn hiệu tại Việt Nam:
Chuyển nhượng một phần nhãn hiệu
Chuyển nhượng một phần nhãn hiệu là một trong các hình thức chuyển nhượng nhãn hiệu. Chủ sở hữu nhãn hiệu trong trường hợp này chuyển giao một phần quyền sở hữu của mình cho một cá nhân khác nhưng vẫn đồng thời nắm quyền sở hữu. Hình thức chuyển nhượng này sẽ được các bên thỏa thuận với nhau trong hợp đồng đồng chủ sở hữu nhãn hiệu.
Nguyên tắc chuyển nhượng nhãn hiệu:
Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Sau khi đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu và được Cục SHTT ghi nhận, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ ghi nhận đồng thời tên các công ty với tư cách là đồng chủ sở hữu và được quyền sử dụng chung nhãn hiệu một cách hợp pháp. Thông thường đây là cách thức phổ biến đối với các doanh nghiệp liên kết thực hiện dự án chung, hoặc các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia hiện nay.
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc về hai công ty có thể cùng sử dụng chung nhãn hiệu không. Quý khách có nhu cầu tư vấn về các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.