Như vậy bảo đảm thực hiện dự án đầu là một nghĩa vụ bắt buộc đối với nhà đầu tư thuộc diện phải bảo đảm theo quy định pháp luật. Trong trường hợp thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư mà Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định sẽ dẫn tới hệ quả pháp lý được quy định tại Điều 48.2 Luật Đầu tư 2020: “Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư”. Để nhà đầu tư có thể nắm rõ hơn quy định về nghĩa vụ này, Luật Việt An đưa ra tư vấn về hình thức bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư 2020;
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020.
Khi nào phải thực hiện bảo đảm thực hiện dự án?
Căn cứ Điều 43 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư phải bảo đảm thực hiện dự án đầu tư khi dự án đó có đề nghị Nhà nước:
giao đất,
cho thuê đất, hoặc
cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Các trường hợp loại trừ bao gồm:
Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 1/7/2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 thì không phải ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ, trừ trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật năm 2020 (ngày 01/01/2020) có hiệu lực.
Các hình thức bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, khi thuộc trường hợp phải bảo đảm thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện một trong các hình thức bảo đảm sau:
Ký quỹ tại tổ chức tín dụng được chỉ định tại Việt Nam. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm nộp số tiền ký quỹ mà nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trong các trường hợp dự án bị chậm tiến độ đưa vào khai thác, vận hành hoặc bị chấm dứt hoạt động.
Nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
Nộp chứng thư bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Thẩm quyền tiếp nhận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Cơ quan đăng ký đầu tư là chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, dựa trên hình thức pháp lý là Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án được ký kết giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tiền bảo đảm thực hiện dự án được nộp vào tài khoản của cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, do nhà đầu tư lựa chọn;
Việc sử dụng cùng một tài khoản để thực hiện nhiều dự án phải với cùng một cơ quan đăng ký đầu tư có thể được thực hiện dựa trên thỏa thuận.
Mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Theo Điều 43 Luật Đầu tư 2020, mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư dao động trong khoảng từ 1-3% vốn đầu tư của dự án tùy thuộc vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư.
Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn quy định mức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:
Phần vốn
Mức bảo đảm
Đến 300 tỷ đồng
3%
300 tỷ đồng < x =< 1.000 tỷ đồng
2%
> 1.000 tỷ đồng
1%
Ví dụ:
Phần vốn đầu tư dự án lấy làm căn cứ là 2.000 tỷ đồng, mức bảo đảm phải nộp (trường hợp phải thực hiện đảm bảo thực hiện dự án đầu tư) là:
300 x 3% + (1.000 – 300) x 2% + (2.000 – 1.000) x 1% = 33 (tỷ đồng)
Phần vốn đầu tư lấy làm căn cứ
Phần vốn đầu tư làm căn cứ = tổng vốn đầu tư đăng ký – tiền sử dụng/thuê đất nộp cho nhà nước – chi phí xây dựng các công trình thuộc dự án đầu tư phải bàn giao cho nhà nước quản lý sau khi hoàn thành (nếu có).
Các chi phí được trừ đi có thể được cơ quan đăng ký đầu tư xác định tại thời điểm ký kết Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư dựa trên căn cứ vào dự toán chi phí trong Đề xuất dự án do nhà đầu tư lập để xác định số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Các trường hợp được giảm tiền bảo đảm
Trừ các dự án không được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được giảm tiền bảo đảm thực hiện dự án trong các trường hợp sau:
Loại dự án
Mức giảm
Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư
Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
25%
Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư;
Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
50%
Trong đó:
Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục II của Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được quy định tại Phụ lục III Nghị định 31/2021/NĐ-CP
Thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Thời điểm thực hiện bảo đảm
Nhà đầu tư thực hiện bảo đảm sau khi được cấp một trong các loại giấy tờ sau:
Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư;
Quyết định chấp thuận nhà đầu tư;
Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá
Nhà đầu tư thực hiện bảo đảm trước khi:
Tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm.
Thời hạn bảo đảm
Thời hạn bảo đảm thực hiện dự án được tính từ thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đến một trong các thời điểm sau:
Thời điểm số tiền ký quỹ được hoàn trả toàn bộ cho nhà đầu tư.
Thời điểm số tiền ký quỹ được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Thời điểm chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh căn cứ theo Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư đã được ký kết.
Hoàn trả, chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm
Việc hoàn trả, chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án được quy định như sau:
Hoàn trả 50% số tiền đã ký quỹ hoặc giảm 50% mức bảo lãnh tại thời điểm nhà đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận khác để thực hiện hoạt động xây dựng (nếu có);
Hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có) hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư đã hoàn thành việc nghiệm thu công trình xây dựng;
Trường hợp dự án đầu tư không thể tiếp tục thực hiện vì lý do bất khả kháng hoặc do việc thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do dự án phải điều chỉnh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi quy hoạch thì nhà đầu tư được xem xét hoàn trả số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án hoặc chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án.
Số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:
Dự án bị chậm tiến độ đưa vào khai thác, vận hành theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này;
Dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật Đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư.
Điều chỉnh nghĩa vụ bảo đảm
Theo Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, có hai trường hợp điều chỉnh như sau:
Điều chỉnh giảm mức bảo đảm: khi giảm vốn đầu tư của dự án, nhà đầu tư được hoàn trả số tiền ký quỹ tương ứng với số vốn đầu tư giảm căn cứ hồ sơ giảm vốn;
Điều chỉnh tăng mức bảo đảm: khi tăng vốn đầu tư của dự án, nhà đầu tư nộp bổ sung số tiền ký quỹ hoặc bổ sung bảo lãnh ký quỹ của tổ chức tín dụng tương ứng với số vốn đầu tư đã đăng ký điều chỉnh tăng. Trường hợp đã được hoàn trả 50% tiền ký quỹ đã nộp trước khi điều chỉnh thì nhà đầu tư chỉ phải nộp số tiền bằng 50% số tiền ký quỹ phải nộp bổ sung.
Nhà đầu tư trong nước đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khi điều chỉnh dự án không thuộc diện điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của Nghị định này mà nội dung điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án, nhà đầu tư gửi văn bản thông báo cho Cơ quan đăng ký đầu tư trước khi điều chỉnh dự án đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án phù hợp với nội dung điều chỉnh của dự án đầu tư.
Biện pháp xử lý tiền bảo đảm
Dự án nhiều giai đoạn
Việc nộp và hoàn trả số tiền ký quỹ hoặc nộp, điều chỉnh, chấm dứt bảo lãnh được áp dụng theo từng giai đoạn thực hiện dự án theo quy định tại Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án.
Nhà đầu tư có thể chuyển số tiền ký quỹ hoặc bảo lãnh còn lại của giai đoạn trước để bảo đảm thực hiện dự án cho giai đoạn tiếp theo mà không nhất thiết phải hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh của giai đoạn trước và nộp bổ sung số tiền chênh lệch giữa số tiền ký quỹ hoặc được bảo lãnh cho giai đoạn tiếp theo với số tiền ký quỹ hoặc được bảo lãnh của giai đoạn trước (nếu có).
Nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tuy nhiên trong trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì việc bảo đảm được thực hiện như sau:
Trường hợp
Hệ quả
Tiền tạm ứng >= Mức bảo đảm
Không phải nộp ngay tiền ký quỹ hoặc chứng thư bảo lãnh tại thời điểm quy định
Phải nộp khi dự án bị chậm tiến độ theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tiền tạm ứng < Mức bảo đảm
Nộp số tiền ký quỹ hoặc nộp chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng bằng phần chênh lệch
Không gia hạn hiệu lực bảo lãnh khi hết hạn
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ, khi đến ngày hết hạn bảo lãnh mà nhà đầu tư không gia hạn hiệu lực của bảo lãnh và không có ý kiến của cơ quan đăng ký đầu tư về việc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh thì tổ chức tín dụng phải chuyển số tiền bảo lãnh vào tài khoản của cơ quan đăng ký đầu tư để tiếp tục ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Dịch vụ tư vấn pháp luật đầu tư của Luật Việt An
Tư vấn thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định hiện hành;
Đại diện khách hàng thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
Tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về hình thức bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư, xin vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được tư vấn nhanh và hiệu quả nhất.
Bài viết được cập nhật đến tháng 4/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ.