Hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư
Hiện nay, giao dịch ngoại hối đang dần trở thành một trong những xu hướng kinh tế phát triển nhất tại nước ta cũng như trên toàn thế giới. Song song với sự phát triển của ngoại hối, nước ta cũng đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhằm hướng dẫn hoạt động ngoại hối. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An xin giới thiệu tới Quý khách hàng về hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư.
Ngoại hối là gì?
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về định nghĩa của ngoại hối. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng ngoại hối là một thuật ngữ trong lĩnh vực kinh tế, được ghép từ “ngoại tệ” và “trao đổi”.
Ngoại hối là một khái niệm được dùng để chỉ tất cả những phương tiện thanh toán được sử dụng trong giao dịch quốc tế.
Ngoại hối được coi là một loại phương tiện nhằm trao đổi loại tiền tệ này sang một loại tiền tệ khác nhằm phục vụ các mục đích như: thương mại, buôn bán hoặc du lịch.
Cụ thể, ngoại hối bao gồm các loại phương tiện thanh toán sau:
Tài sản: gồm những tài sản có khả năng chuyển đổi thành đồng tiền của nước ngoài, ví dụ: tiền mặt, vàng,..
Quyền tài sản: những quyền có thể được thực hiện để đổi lấy tiền nước ngoài, ví dụ như: trái phiếu, cổ phiếu,…
Ngoại hối thường phổ biến trong hoạt động đầu tư, đó là việc các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam và việc các nhà đầu tư trong nước thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Việc góp vốn của các nhà đầu tư, bao gồm cả nước ngoài và trong nước đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
Quản lý hoạt động ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Đồng tiền được sử dụng để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
Theo quy định tại Điều 4 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-NHNN 2023, đồng tiền mà nhà đầu tư được phép sử dụng để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bao gồm các đồng tiền sau:
Ngoại tệ;
Đồng Việt Nam.
Nhà đầu tư chỉ được phép dùng Đồng Việt Nam trong trường hợp thực hiện chuyển vốn đầu tư sang quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết với Việt Nam các thỏa thuận hiệp định song phương, đa phương quy định về việc cho phép sử dụng đồng Việt Nam trong các giao dịch thanh toán, chuyển tiền.
Tài khoản vốn đầu tư ngoại hối
Khác với việc góp vốn cho các doanh nghiệp trong nước, khi các nhà đầu tư thực hiện góp vốn ra nước ngoài thì phải mở và sử dụng một tài khoản riêng, gọi là tài khoản vốn đầu tư.
Tài khoản này phải được mở sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tài khoản vốn đầu tư phải sử dụng một loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại tổ chức tin dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh việc sử dụng ngoại tệ, nếu nhà đầu tư thực hiện đầu tư bằng Đồng Việt Nam, nhà đầu tư được mở và sử dụng đồng thời hai taif khoản đầu tư: Đồng Việt Nam và ngoại tệ.
Trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện đầu tư cho nhiều dự án, nhà đầu tư phải lập các tài khoản riêng đối với mỗi dự án.
Đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Để việc giao dịch ngoại hối được hợp pháp, các nhà đầu tư phải thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 8 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-NHNN 2023, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc đăng ký ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho các nhà đầu tư. Phạm vi thẩm quyền cụ thể được xác định như sau:
Nhà đầu tư là tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước;
Nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư có trụ sở chính hoặc nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú.
Hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ để nộp tại ciw quan nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận đăng ký đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cụ thể bao gồm các tài liệu sau:
Đơn đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoà theo mẫu quy định;
Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao kèm xuất trình bản gốc);
Văn bản chấp thuận hoặc cấp phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư cấp hoặc tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư (bản sao tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt và có xác nhận của nhà đầu tư);
Xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về việc mở tài khoản vốn đầu tư;
Xác nhận của tổ chức tín dụng được phép về số tiền nhà đầu tư đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Trong trường hợp đầu tư bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư cần nộp kèm bản giải trình về nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.
Quản lý hoạt động ngoại hối đối với hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam
Đồng tiền được sử dụng để đầu tư
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-NHNN, nhà đầu tư được sử dụng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư vào Việt Nam. Quy định cụ thể như sau:
Ngoại tệ: nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam, người cư trú là nhà đầu tư Việt Nam;
Đồng Việt Nam: nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam.
Việc góp vốn để đầu tư phải được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Tương tự như hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư vào Việt Nam cũng phải mở và sử dụng một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một ngân hàng được phép.
Và nhà đầu tư chỉ được phép thực hiện một số giao dịch thu, chi theo quy định của pháp luật hiện hành tại tài khoản này.
Tùy thuộc vào đồng tiền đầu tư, nhà đầu tư được phép mở một tài khoản ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp tại ngân hàng được phép.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư của Luật Việt An. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thêm về hoạt động đầu tư, hoạt động ngoại hối, xin vui lòng liên hệ chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.