Bảo hộ sáng chế là một biện pháp hữu ích để các cá nhân, tổ chức dùng để bảo vệ những sáng chế của mình, tránh các đối thủ cạnh tranh sao chép và sử dụng nó một cách tuỳ ý. Tuy nhiên để một sáng chế được bảo hộ phải nó cũng đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó có yêu cầu về khả năng áp dụng công nghiệp. Vậy hiểu như thế nào là khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế? Luật Việt An sẽ trình bày trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật sáng tạo dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, được tạo ra nhằm giải quyết một vấn đề xác định thông qua việc áp dụng các quy luật tự nhiên hoặc các nguyên lý khoa học. Đây là một quá trình sáng tạo và nghiên cứu công phu, mang tính đột phá và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Giải pháp kỹ thuật là gì?
Giải pháp kỹ thuật – là đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, là một tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (bao gồm việc ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ hoặc một vấn đề xác định. Điều này áp dụng cho những giải pháp sáng chế mang tính sáng tạo, mới lạ và có khả năng áp dụng trong công nghiệp và đời sống thực tế.
Một số ví dụ về sáng chế
Một số sáng chế nổi tiếng có thể kể đến như: bóng đèn điện của Thomas Edison, cột thu lôi của Benjamin Franklin, máy hơi nước của James Watt, công thức thuốc nổ TNT của Nobel, tai nghe khám bệnh của Laennec…
Các hình thức bảo hộ sáng chế
Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ hiện hành, sáng chế có thể được bảo hộ dưới hai hình thức đó là: Bằng độc quyền sáng chế (Patent for Invention) và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (Patent for Utility Solution), cụ thể như sau:
Bằng độc quyền sáng chế được cấp cho những sản phẩm hoặc quy trình có tính sáng tạo, tính mới và có khả năng áp dụng trong công nghiệp. Điều này đảm bảo rằng người sở hữu sáng chế sẽ có quyền độc quyền sản xuất, sử dụng và tiếp thị sản phẩm hoặc quy trình này trong một thời gian nhất định, tạo điều kiện để họ thu được lợi ích kinh tế từ công trình sáng chế của mình và tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho những sản phẩm, giải pháp có tính mới, có trình độ kỹ thuật mang tầm thế giới và có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Điều này khuyến khích sự đổi mới và cải tiến trong công nghệ và kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng giải pháp mới vào thực tế.
Phân biệt bảo hộ sáng chế dưới dạng bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích
Tiêu chí
Bằng độc quyền sáng chế
Bằng độ quyền giải pháp hữu ích
Điều kiện bảo hộ
Tính mới;
Có trình độ sáng tạo;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Tính mới;
Không phải là hiểu biết thông thường;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đối tượng bảo hộ
Sản phẩm/ Quy trình
Sản phẩm/ Giải pháp
Thời gian được bảo hộ
20 năm kể từ ngày nộp đơn
10 năm kể từ ngày nộp đơn
Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế
Khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế có thể hiểu đơn giản là việc một sáng chế có thể được thực hiện hoặc sử dụng trong bất kỳ ngành công nghiệp nào đó, nghĩa là sáng chế đó phải thực sự hữu dụng ở thực tế chứ không chỉ nằm trên lý thuyết hay ý tưởng.
Trên góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 62 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại qui trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, một sản sáng chế đáp ứng được tiêu chí “khả năng áp dụng công nghiệp” khi đáp ứng được các điều kiện trong đây:
Khả năng thực hiện chế tạo, sản xuất hàng loạt: Sáng chế phải có khả năng được thực hiện và chế tạo hàng loạt sản phẩm hoặc giải pháp thực tế trong quá trình sản xuất.
Hoặc khả năng áp dụng lặp đi lặp lại quy trình: Sáng chế phải áp dụng được một quy trình lặp đi lặp lại, tức là có thể áp dụng trong các công đoạn sản xuất và kỹ thuật thường xuyên.
Thu được kết quả ổn định: Sáng chế phải mang lại kết quả ổn định trong việc thực hiện chế tạo hoặc sản xuất, không phụ thuộc vào những yếu tố không kiểm soát được.
Việc đáp ứng các tiêu chí này đảm bảo rằng sáng chế có tính ứng dụng thực tiễn và có giá trị trong việc phát triển kinh tế và công nghiệp. Quy định này cũng khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo trong xã hội, đồng thời giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những người sáng tạo và khuyến khích họ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến sáng chế và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế
Sáng chế khác gì so với phát minh?
Sáng chế và phát minh là hai khái niệm khác nhau trong Luật Sở hữu trí tuệ, hai khái niệm này có thể phân biệt dựa trên những tiêu chí như sau:
Tiêu chí
Sáng chế
Phát minh
Bản chất
Sáng chế không tồn tại sẵn trong tự nhiên mà phải thông qua hoạt động nghiên cứu để tạo ra. Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật do đó có thể trực tiếp áp dụng vào sản xuất và đời sống.
Bản chất của phát minh là chỉ có trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, phát minh giúp giải thích các hiện tượng có sẵn mà không có tính mới. Đồng thời cũng không thể áp dụng trực tiếp vào đời sống hoặc sản xuất mà cần phải thông qua các giải pháp kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và đời sống, mang giá trị thương mại.
Hình thức bảo hộ
Được bảo hộ độc quyền về nội dung dưới hai hình thức:
Bằng độc quyền sáng chế.
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Phát minh là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, không được bảo hộ về nội dung mà chỉ được bảo hộ hình thức.
Điều kiện bảo hộ
Có tính mới (so với thế giới).
Có trình độ sáng tạo.
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đáp ứng các điều kiện về chủ thể và loại hình tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Điều 13 và 14 Luật Sở hữu trí tuệ.
Những đối tượng nào không được phép bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế?
Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế bao gồm: phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính; cách thức thể hiện thông tin; giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ; giống thực vật, giống động vật; quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh; phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Sáng chế được bảo hộ trong vòng bao nhiêu năm?
Tuỳ theo hình thức bảo hộ sáng chế mà thời hạn bảo hộ sẽ khác nhau, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, hiệu lực của văn bằng bảo hộ được quy định như sau:
Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi (20) năm kể từ ngày nộp đơn.
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười (10) năm kể từ ngày nộp đơn.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về Luật Sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ sáng chế xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.