Sáng chế đăng ký tại Việt Nam có độc quyền trên thế giới không?
Trong xu thế tài sản trí tuệ được coi trọng, các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sáng chế đã có ý thức hơn trong việc đăng ký độc quyền sáng chế nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình. Song, hiện nay, khi ngày càng nhiều chủ sở hữu sáng chế đã đăng ký sáng chế tại Việt Nam có mong muốn được độc quyền sáng chế trên thế giới nhằm mục đích cửa thị trường kinh doanh, giới thiệu công nghệ với thế giới cũng như chuyển giao công nghệ, thì câu hỏi được đặt ra là sáng chế đăng ký tại Việt Nam có độc quyền trên thế giới không? Và làm thế nào để sáng chế được đăng ký tại Việt Nam được độc quyền trên thế giới? Để giải đáp thắc mắc này, Công ty Luật Việt An sẽ tổng hợp các quy định liên quan trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp;
Hiệp ước Hợp tác sáng chế PCT;
Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại và quyền ở hữu trí tuệ TRIPS;
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Sáng chế và bằng độc quyền sáng chế là gì?
Sáng chế
Căn cứ tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và những văn bản pháp luật có liên quan khác.
Bằng độc quyền sáng chế
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, bằng độc quyền sáng chế là một loại văn bằng được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ cho người tạo ra sáng chế hoặc chủ sở hữu sáng chế nhằm bảo vệ một sáng chế và chủ sở hữu được độc quyền sử dụng sáng chế của họ trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi nộp đơn đăng ký sáng chế và được cấp văn bằng sáng chế bởi Cục sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu, tác giả sáng chế sẽ được pháp luật bảo vệ khi có hành vi xâm phạm.
Tính lãnh thổ của bằng độc quyền sáng chế
Quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế chỉ phát sinh trên cơ sở bằng sáng chế do cơ quan thẩm quyền (quốc gia hoặc khu vực) cấp. Nói cách khác, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng mang tính lãnh thổ. Vì vậy, nếu muốn bảo hộ sáng chế tại quốc gia nào, chủ sở hữu sáng chế phải đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế của mình tại quốc gia đó.
Như vậy, căn cứ trên các quy định của pháp luật hiện hành, sáng chế chỉ thực hiện đăng ký tại Việt Nam sẽ không được bảo hộ độc quyền trên toàn thế giới.
Làm thế nào để sáng chế đăng ký tại Việt Nam được độc quyền tại nước ngoài?
Điều kiện để được cấp bằng độc quyền sáng chế tại nước ngoài
Hầu hết các văn bản pháp lý trên quốc tế và của các nước trên thế giới đều quy định 3 tiêu chuẩn sau đối với việc cấp bằng độc quyền sáng chế, gồm:
Tính mới;
Trình độ sáng tạo;
Khả năng áp dụng công nghiệp.
Cách thức đăng ký bảo hộ sáng chế tại nước ngoài
Việc đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài có thể được tiến hành theo nhiều cách thức khác nhau bao gồm:
Theo kênh quốc gia
Chủ sở hữu nộp đơn đăng ký sáng chế trực tiếp tại quốc gia mà mình muốn bảo hộ theo ngôn ngữ yêu cầu và nộp phí theo quy định. Nếu có nhu cầu nộp tại nhiều nước thì phải làm nhiều đơn khác nhau.
Theo kênh khu vực
Nếu muốn số nước mà chủ đơn muốn nộp là thành viên của một hệ thống sáng chế khu vực, người nộp đơn có thể yêu cầu bảo hộ với hiệu lực trên lãnh thổ của toàn bộ hoặc một số thành viên, bằng cách nộp đơn tại cơ quan khu vực liên quan.
Ví dụ: một số hệ thống bảo hộ sáng chế được xây dựng ở một số khu vực như Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO); Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi; Tổ chức Sáng chế Á – Âu ( EAPO);…
Theo kênh quốc tế
Với hình thức này, chủ đơn nộp đơn theo hệ thống PCT. PCT là hiệp ước quốc tế về luật sáng chế, hiện có hơn 145 thành viên. Việt Nam tham gia Hiệp ước PCT ngày 10/3/1993. Theo Hiệp ước này, các công dân của một quốc gia tham gia ký kết chỉ cần lập một hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế duy nhất – gọi là hồ sơ “quốc tế” – và gửi tới cơ quan cấp bằng sáng chế của nước họ hoặc tới WIPO với tư cách là cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Đơn xin cấp bằng sáng chế này sẽ tự động được gửi tới tất cả các quốc gia tham gia PCT. Trong khuôn khổ PCT, WIPO đã ấn hành “áp dụng tính quốc tế” cùng hướng dẫn về việc công nhận sáng chế. Đây được coi là cách thức đơn giản hơn 2 cách trên để sáng chế được độc quyền trên phạm vi rộng.
Thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế theo Hiệp ước PCT
Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ sáng chế theo PCT được coi là đơn giản và phổ biến nhất khi chủ đơn có thể được bảo hộ tại nhiều quốc gia là thành viên của PCT.
Bước 1: Nộp đơn quốc tế
Khách hàng có thể nộp đơn đăng ký tại Việt Nam, trong đó có thể yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam (gọi tắt là đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam) có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ hoặc cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Hồ sơ nộp đơn gồm:
Tờ khai đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được làm bằng tiếng Anh (03 bản);
Bản mô tả (02 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
Yêu cầu bảo hộ (02 bản);
Các tài liệu có liên quan (nếu có);
Chứng từ nộp phí.
Bước 2: Tra cứu quốc tế
Khách hàng có thể tiến hành tra cứu quốc tế sáng chế tại các cơ quan tra cứu có thẩm quyền (cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực đáp ứng các yêu cầu do PCT đặt ra và được chỉ định bởi Đại hội đồng PCT).
Đối với đơn quốc tế có nguồn gốc Việt Nam, các cơ quan tra cứu quốc tế là thẩm quyền là các cơ quan của Áo, Úc, Liên Bang Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, EPO.
Bước 3: Công bố đơn
Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được công bố trên Công báo của PCT (PCT Gazette). Việc công bố được tiến hành sau 18 tháng tính từ ngày ưu tiên hoặc có thể sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.
Bước 4: Thẩm định sơ bộ quốc tế
Thủ tục này được tiến hành tại cơ quan thẩm định sơ bộ quốc tế có thẩm quyền theo PCT. Mục đích của thủ tục này là đưa ra ý kiến sơ bộ và không ràng buộc về sáng chế cần bảo hộ trong đơn có đáp ứng các yêu cầu bảo hộ hay không. Cơ quan thẩm định lập báo cáo thẩm định sơ bộ và gửi cho Văn phòng quốc tế.
Bước 5: Xử lý đơn trong giai đoạn quốc gia
Ở giai đoạn quốc gia, đơn quốc tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo các thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế thông thường tại quốc gia sở tại.
Nếu chủ đơn chỉ quan tâm đến việc bảo hộ sáng chế của mình tại một quốc gia nhất định thì sẽ nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế trực tiếp tại quốc gia đó. Đề việc nộp đơn theo phương thức này được nhanh chóng và thuật lợi, khách hàng nên sử dụng dịch vụ của Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ một cách tốt nhất.
Quý khách hàng có nhu cầu muốn được tư vấn và tìm hiểu thêm thông tin về pháp luật sở hữu trí tuệ, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!