Theo quy định tại Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ “Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh”
Trong trường hợp nhãn hiệu bị công ty khác đăng ký thì tổ chức, cá nhân có quyền nộp công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ về việc phản đối cấp Văn bằng bảo hộ cho đơn đăng ký nhãn hiệu của công ty đó. Tổ chức, cá nhân phải đưa ra được những chứng cứ chứng minh về ý kiến phản đối của mình.
Theo Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Giấy chứng nhận nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ theo yêu cầu hợp pháp của bên thứ ba. Người yêu cầu có thể gửi văn bản tới Cục sở hữu trí tuệ yêu cầu hủy nhãn hiệu theo các trường hợp được quy định theo luật với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo bằng văn bản ý kiến của bên thứ ba cho chủ văn bằng bảo hộ và gia hạn thời gian hai tháng kể từ ngày thông báo về văn bằng bảo hộ nhãn hiệu để chủ sở hữu phản hồi.
Sau khi xem xét ý kiến của các bên, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định hủy một phần hoặc toàn bộ hoặc từ chối hủy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu của Cục sở hữu trí tuệ, bên yêu cầu hoặc các bên liên quan có thể khiếu nại về quyết định hoặc thông báo đó.
Quyết định hủy bảo hộ nhãn hiệu sẽ được công bố tại Cổng thông tin Sở hữu trí tuệ và được ghi nhận tại Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu trí tuệ trong vòng 2 tháng kể từ ngày ký.
Cùng với quá trình phản đối đơn, tổ chức, cá nhân nên tiến hành thủ tục nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi của mình.
Nhãn hiệu không được chủ sở hữu sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục
Theo quy định tại điều 95 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì một trong những căn cứ để đề nghị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là chứng minh được “Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”.
Quý khách hàng muốn đăng ký nhãn hiệu có thể tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và song song thực hiện thủ tục đề nghị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Là tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ -Luật Việt An hỗ trợ Quý khách hàng liên quan đến các trường hợp nhãn hiệu bị công ty khác đăng ký theo quy định của pháp luật.