Khiếu nại trong đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Khiếu nại trong đăng ký sở hữu trí tuệ được quy định nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của khách hàng trước các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều khách hàng còn gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục này. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, Công ty Luật Việt An xin đưa ra bài viết khiếu nại trong đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam sau đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022;
Luật Khiếu nại năm 2011;
Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Khiếu nại là gì?
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu nại trong đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Người có quyền khiếu nại
Việc khiếu nại phải được tiến hành theo đúng quy định, chủ thể quy định. Người có quyền khiếu nại là tổ chức cá nhân được quy định tại Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:
Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
Đối tượng khiếu nại
Các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại quy định tại khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ là các quyết định, thông báo chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp, bao gồm các quyết định, thông báo sau đây:
Thông báo từ chối tiếp nhận đơn;
Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
Quyết định từ chối chấp nhận đơn;
Thông báo chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn/chuyển đổi đơn/thay đổi người nộp đơn/rút đơn;
Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ; Quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế; Quyết định từ chối chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế; Quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế; và Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế;
Quyết định cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định cấp lại văn bằng bảo hộ; quyết định từ chối cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối cấp lại văn bằng bảo hộ;
Thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ;
Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;
Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ;
Quyết định chấm dứt hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ, thông báo từ chối chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ;
Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu; Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp;
Quyết định hành chính liên quan đến đại diện sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục Sở hữu trí tuệ;
Các quyết định, thông báo và hành vi khác đáp ứng điều kiện là đối tượng bị khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Theo đó, nếu không thực hiện quyền khiếu nại trong thời gian luật định, chủ thể quyền sẽ mất quyền khiếu nại đó. Điều 9, Điều 33 Luật khiếu nại quy định về thời hiệu khiếu nại cụ thể như sau:
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Giải quyết khiếu nại
Việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Khiếu nại và khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải:
Ra thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn và xác định phí tra cứu và/hoặc phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại tương ứng với nội dung khiếu nại (nếu có) và ấn định thời hạn 01 tháng để người khiếu nại nộp phí.
Ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại nếu đơn thuộc một trong các trường không thụ lý giải quyết, nêu rõ lý do từ chối;
Thời hạn giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều 28 và 37 của Luật Khiếu nại.
Để xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lấy ý kiến của người có quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến đơn khiếu nại đã được thụ lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, người giải quyết khiếu nại lần đầu có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của người khiếu nại thực hiện việc thẩm định lại theo quy định tại khoản 4 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Điều 13 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN. Trong quá trình thẩm định lại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia độc lập hoặc Hội đồng tư vấn phù hợp theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định như sau:
Căn cứ vào kết quả xem xét lại quyết định, thông báo bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Đối với trường hợp người khiếu nại không phải là người nộp đơn hoặc người yêu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại cung cấp tình tiết mới có khả năng ảnh hưởng đến kết luận giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện việc thẩm định lại đối với nội dung liên quan đến tình tiết mới theo trình tự thẩm định lại đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 13 của Thông tư này. Căn cứ vào kết quả thẩm định đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Trách nhiệm của người khiếu nại
Căn cứ Điều 6 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, người khiếu nại và đại diện của người khiếu nại có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo các quy định sau đây:
Mọi tài liệu giao dịch phải được người khiếu nại hoặc đại diện của người khiếu nại tự xác nhận bằng chữ ký của mình và con dấu của tổ chức (nếu có). Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần phải được công chứng hoặc chứng thực thì phải được thực hiện theo quy định đó.
Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt đều phải có cam kết người khiếu nại hoặc đại diện của người khiếu nại bảo đảm là dịch nguyên văn từ tài liệu đó trừ trường hợp bản dịch tiếng Việt đã được công chứng xác nhận bản dịch;
Trường hợp đại diện của người khiếu nại là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người đại diện cho tổ chức đó ký tài liệu giao dịch phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Người khiếu nại phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả và nghĩa vụ phát sinh do đại diện của người khiếu nại thực hiện trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
Đại diện của người khiếu nại phải chịu trách nhiệm trước người khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Dịch vụ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của Luật Việt An
Đại diện khách hàng nộp, phản hồi và nhận kết quả đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo và thực hiện thủ tục khiếu nại tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về khiếu nại trong đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.