Đăng ký sáng chế là một bước quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các phát minh và ý tưởng mới. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ đòi hỏi thời gian và công sức mà còn kèm theo các chi phí nhất định. Lệ phí đăng ký sáng chế thường bao gồm các khoản phí liên quan đến nộp hồ sơ, kiểm tra nội dung sáng chế, và cấp bằng sáng chế. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin cho quý khách hàng về các chi phí, lệ phí khi đăng ký sáng chế tại Việt Nam.
Chi phí tra cứu sáng chế
Phí tra cứu tình trạng sáng chế được thu theo bảng phí riêng của từng Đại diện Sở hữu công nghiệp. Chủ đơn nên tiến hành tra cứu sáng chế để đánh giá tính mới và khả năng cấp văn bằng bảo hộ của sáng chế.
Mục đích tra cứu thông tin sáng chế:
Tránh xâm phạm quyền sáng chế đối với các đối tượng sáng chế đã được bảo hộ của chủ thể khác;
Đánh giá khả năng bảo hộ của sáng chế;
Phản đối việc cấp văn bằng cho các đối tượng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, kể cả sau khi đã được cấp bằng;
Tránh được các chi phí không cần thiết cho việc nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật đã biết;
Xác định và đánh giá công nghệ để mua, bán li-xăng và chuyển giao công nghê;
Xác định các công nghệ thay thế;
Nắm bắt các giải pháp có sẵn cho các vấn đề kỹ thuật;
Tìm kiếm ý tưởng cho việc tiếp tục đổi mới công nghệ;
Tìm kiếm các đối tác kinh doanh;
Theo dõi hoạt động của các đối thủ cạnh tranh hiện thời và tiềm năng trong tương lai;
Tìm kiếm thị trường thích hợp;
Lựa chọn sáng chế đang có hiệu lực để ký kết hợp đồng mua bán quyền sử dụng, chuyển giao công nghệ, bí quyết sản xuất.
Lệ phí đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Căn cứ pháp lý: Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 31/2020/TT-BTC.
Khi đăng ký sáng chế/ giải pháp hữu ích chủ đơn cần phải nộp phí và lệ phí, chi phí đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế được quy định như sau:
Danh mục phí, lệ phí
Mức lệ phí (VND)
Lệ phí nộp đơn
150.000
Lệ phí yêu cầu gia hạn thời hạn trả lời thông báo của Tổ chức thu phí, lệ phí (mỗi lần được phép gia hạn)
120.000
Phí thẩm định hình thức / 01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập
180.000
Phí thẩm định hình thức / 01 trang từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi
8.000
Phí công bố đơn
120.000
Phí công bố đối với yêu cầu công bố từ hình vẽ đặc trưng thứ 2 trở đi
60.000
Phí công bố đối với bản mô tả từ trang thứ 7 trở đi
10.000
Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên / 01 đơn ưu tiên (nếu có)
600.000
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định / 01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập
600.000
Phí phân loại quốc tế về sáng chế (trường hợp chưa phân loại)
100.000
Phí thẩm định nội dung / 01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập
720.000
Phí thẩm định nội dung / 01 trang từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi
32.000
Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ
120.000
Lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ đối với đơn sáng chế có trên 01 điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ, từ điểm độc lập thứ 2 trở đi phải nộp thêm cho mỗi điểm độc lập
100.000
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế
120.000
Phí giải quyết yêu cầu phản đối cấp Văn bằng bảo hộ của người thứ ba/ 01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập
550.000
Tổng phí cơ bản dự kiến (sáng chế / 01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập)
1.890.000
Lưu ý:
Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC), trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000 VND/01 phân loại). Do đó, chủ đơn nên nhờ đến tư vấn của các đơn vị chuyên môn, các đại diện sở hữu công nghiệp để tối ưu hóa quá trình nộp đơn đăng ký sáng chế.
Lệ phí đăng ký sáng chế quốc tế (IPC)
Theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, khi đăng ký sáng chế quốc tế, khách hàng phải nộp các loại phí, lệ phí sau:
Phí phân loại quốc tế về sáng chế: 100.000 VND/01 phân loại sáng chế quốc tế
Phí kiểm tra sơ bộ về mặt hình thức đơn sáng chế quốc tế để nộp cho văn phòng quốc tế và cơ quan tra cứu quốc tế: 300.000 VND
Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn cho mỗi nội dung sửa đổi của mỗi đơn (đối với đơn quốc tế có sửa đổi bổ sung khi vào giai đoạn quốc gia): 160.000 VND
Lưu ý:
Nộp đơn đăng ký sáng chế quốc tế qua Hiệp ước PCT bao gồm Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam và Đơn PCT vào giai đoạn quốc gia.
Đối với Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam, người nộp đơn có thể nộp đơn thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc trực tiếp cho Văn phòng quốc tế. Căn cứ vào điều 20, Nghị định 65/2023/NĐ-CP, sau khi được tiếp nhận đơn, người nộp đơn cần nộp phí kiểm tra sơ bộ hình thức cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, những khoản phí khác người nộp đơn chuyển cho Văn phòng quốc tế và cơ quan tra cứu quốc tế theo quy định của Hiệp ước PCT;
Các chi phí phát sinh khác
Ngoài biểu phí theo quy định của pháp luật nêu trên, chủ đơn khi nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam nếu thông qua đơn vị đại diện sở hữu công nghiệp (như Luật Việt An) cần trả thêm phí dịch vụ đại diện theo biểu phí riêng của mỗi văn phòng, chi phí dịch thuật, chuyển phát hồ sơ theo thỏa thuận các bên.
Lệ phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế
Sau khi sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ hàng năm, chủ sở hữu văn bằng bảo hộ phải đóng phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế như sau:
Lệ phí duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ sáng chế/ 01 năm/ 01 điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ: 100.000 đồng
Lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực muộn (cho mỗi tháng nộp muộn): 10% lệ phí duy trì/gia hạn
Đây được coi là khoản phí nhằm duy trì sự bảo vệ của nhà nước với sáng chế đứng tên chủ sở hữu được lưu trữ tại công bố quốc gia. Phí này được nộp đồng thời với Phí sử dụng văn bằng bảo hộ sáng chế (tính theo năm) theo quy định dưới đây.
Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ sáng chế
Phí sử dụng Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế được áp dụng cho mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ cho mỗi năm. Phí sẽ tăng thêm tương đương với số điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ sáng chế. Phí sử dụng quy định heo từng năm được quy định như sau:
2 năm đầu: 300.000 đồng.
Năm thứ 3, năm thứ 4: 480.000 đồng.
Năm thứ 5, năm thứ 6: 780.000 đồng.
Năm thứ 7, năm thứ 8: 1.200.000 đồng.
Năm thứ 9, năm thứ 10: 1.800.000 đồng.
Năm thứ 11 – năm thứ 13: 2.520.000 đồng.
Năm thứ 14 – năm thứ 16: 3.300.000 đồng.
Năm thứ 17 – năm thứ 20: 4.200.000 đồng.
Thời điểm nộp lệ phí đăng ký sáng chế
Tại thời điểm nộp đơn
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC và Điều 108 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022), đơn đăng ký chỉ được cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận nếu có chứng từ nộp phí, lệ phí. Như vậy, người nộp đơn có trách nhiệm nộp lệ phí ngay khi nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm các phí, lệ phí cơ bản phải nộp theo đơn gồm:
Lệ phí nộp đơn
Phí thẩm định hình thức
Phí phân loại quốc tế về sáng chế (nếu đơn chưa phân loại)
Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có)
Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn (đối với đơn quốc tế có sửa đổi bổ sung khi vào giai đoạn quốc gia)
Phí công bố đơn
Phí tra cứu thông tin phục vụ việc thẩm định nội dung
Phí thẩm định nội dung
Lưu ý đối với phí thẩm định nội dung
Phí thẩm định nội dung có thể được chủ đơn lựa chọn nộp 1 trong 2 thời điểm sau:
Nộp kèm theo đơn
Nộp khi có thông báo chấp thuận hợp lệ về mặt hình thức đơn
Theo đó, để đảm bảo tính chắc chắn, chủ đơn chưa có kinh nghiệm có thể lựa chọn thời điểm thứ 2. Bởi nếu nộp kèm theo đơn, trường hợp đơn không hợp lệ về mặt hình thức và bị từ chối theo luật trước khi vào giai đoạn thẩm định nội dung, chủ đơn sẽ bị mất số tiền đã nộp cho giai đoạn thẩm định nội dung.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ
Chủ sở hữu sáng chế sẽ cần thực hiện việc duy trì và nộp phí sử dụng trong suốt 20 năm bảo hộ của sáng chế. Theo đó, ngay sau khi được cấp bằng, chủ sở hữu sẽ cần nộp các khoản phí, lệ phí sau:
Phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế
Phí sử dụng văn bằng bảo hộ sáng chế
Lưu ý: phí được tính từ năm được cấp văn bằng bảo hộ.
Một số câu hỏi liên quan
Có thể nộp lệ phí bằng USD được không?
Theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC, phí, lệ phí được thu bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp thu phí thông qua Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) được thu bằng Franc Thụy Sỹ (CHF) trên cơ sở quy đổi mức thu bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái chính thức của Liên hợp quốc.
Có lệ phí gì khi cần sửa đổi hoặc bổ sung thông tin trong đơn đăng ký sáng chế?
Theo quy định tại Thông tư số 263/2016/TT-BTC, người nộp đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí sau khi sửa đổi đơn đăng ký sáng chế: Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi đơn (160.000VND/01 nội dung yêu cầu sửa đổi), Phí công bố (120.000VND/01 đơn yêu cầu sửa đổi trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ).
Yêu cầu sửa đổi đơn được nộp sau khi có Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí thuộc trường hợp sửa đổi thông tin liên quan đến bản chất đối tượng nêu trong đơn (cụ thể, bản mô tả sáng chế) thì đơn phải được thẩm định lại và thu phí thẩm định nội dung tính theo yêu cầu bảo hộ độc lập (720.000VND/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập).
Lệ phí duy trì hiệu lực sáng chế có thể được nộp muộn hơn thời hạn quy định không?
Để được duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong vòng 06 tháng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Lệ phí duy trì hiệu lực có thể được nộp muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí cho mỗi tháng nộp muộn.
Liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất, với chi phí hợp lý nhất và khả năng cấp văn bằng bảo hộ sáng chế cao nhất!