Lưu ý chuẩn bị hồ sơ khi yêu cầu đăng ký nhãn hiệu âm thanh
Nhằm nội lực hóa các quy định của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam đã chính thức công nhận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh tại lần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm mới tại Việt Nam, cùng với nó là một số điểm khó khăn trong quá trình đăng ký bảo hộ đối tượng này. Một trong số đó là hồ sơ khi yêu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh cần những gì? Sau đây, Luật Việt An phân tích các lưu ý chuẩn bị hồ sơ khi yêu cầu đăng ký nhãn hiệu âm thanh.
Quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 trước đây quy định nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải được thể hiện dưới dạng nhìn thấy. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi năm 2022 quy định như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”.
Như vậy, dấu hiệu âm thanh được bổ sung vào những dấu hiệu mà pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ có thể công nhận là nhãn hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Điều kiện xác định nhãn hiệu âm thanh
Nhãn hiệu âm thanh là những tín hiệu âm thanh đặc trưng, có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một tổ chức hoặc cá nhân này với tổ chức, cá nhân khác. Luật SHTT quy định “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” là một điều kiện của nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.
Như vậy, khác với các tác phẩm âm nhạc, nhãn hiệu âm thanh có thể là một đoạn âm thanh hoặc cũng có thể là sự kết hợp của các loại âm thanh khác nhau như: Âm thanh từ các nhạc cụ, từ giọng hát hay tiếng kêu của động vật và âm thanh phát ra từ các vật dụng khác… đủ để người tiêu dùng có thể ghi nhớ và phân biệt được.
Theo Điều 100 Luật SHTT, Điều 24 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN và hướng dẫn của Cục SHTT, thì hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đối với bao bì sản phẩm bao gồm:
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo;
Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau: Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận; Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);…
Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh
Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có);
Tại Mục “Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký” trong tờ khai, người nộp đơn cần xác định rõ loại nhãn hiệu đăng ký (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu ba chiều).
Đối với nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó (Khoản 2 Điều 105 Luật SHTT)
Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định tại Điều 100.2 Luật SHTT thì phải được dịch ra tiếng Việt
Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;
Mỗi loại tài liệu trừ bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;
Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sữa chữa; nếu tài liệu có từ 02 trang trở lên cần được đóng dấu giáp lai của người nộp đơn/cơ quan ban hành tài liệu (nếu có); trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sữa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;
Thuật ngữ dùng trong đơn phải thống nhất và là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam);
Lưu ý yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu và mô tả nhãn hiệu âm thanh
Mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số .MP3 với dung lượng không quá 3 MB và bản thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ (khoản 4 Mục 8 Phần IV Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP).
Khuông nhạc 5 dòng kẻ phải rõ ràng, chính xác, hoàn chỉnh và thống nhất với tệp âm thanh, trong đó có thể bao gồm dấu khóa, dấu thanh, phách (nhịp), tiết tấu, nốt nhạc, nốt nghỉ, nốt tạm thời (dấu thăng, dấu giáng, dấu quay lại), v.v.
Mô tả nhãn hiệu âm thanh phải làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (khoản 2 Điều 105 Luật SHTT)
Nội dung mô tả phải đầy đủ, chi tiết, hoàn chỉnh về dấu hiệu âm thanh yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu (âm thanh của nhạc cụ gì, có kèm lời hay không, trường hợp có lời thì phải ghi đầy đủ, chính xác lời đó, v.v.); và phải khớp với mẫu âm thanh, khách quan và dễ hiểu. Phần mô tả có thể được thể hiện trong tài liệu nộp kèm Tờ khai.
Ví dụ:
(Nhãn hiệu âm thanh HISAMISU của Công ty Hisamisu Pharmaceutucal Co., Inc. (Nhật Bản) đăng ký tại USPTO (số đơn 78101339 ngày 07/01/2002, số bằng 2814082) cho Nhóm 5 (Các miếng dán thuốc qua da, cao dán, miếng đệm, gel và xịt dùng để giảm đau tạm thời do viêm khớp dạng thấp, cũng như đau nhức cơ, khớp và gân).
Mô tả: “Dấu hiệu bao gồm từ ‘HISAMITSU’ được hát trên nền bốn nốt nhạc E, A, E và F# (Fa thăng). Ba nốt đầu là nốt móc đơn, và nốt cuối cùng là nốt móc đơn được nối với nốt trắng”.
Thẩm định hình thức đối với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu âm thanh
Đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh được thẩm định hình thức như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường ở các khía cạnh:
Tính thống nhất của đơn: Mỗi đơn được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ.
Trên đây là những lưu ý chuẩn bị hồ sơ khi yêu cầu đăng ký nhãn hiệu âm thanh. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn đăng ký nhãn hiệu âm thanh, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!