Dịch vụ vận tải là một ngành nghề đang phát triển mạnh trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Vì thế, nhu cầu đầu tư vào công ty vận tải của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng tăng lên. Bài viết sau đây sẽ phân tích thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào công ty vận tải tại Việt Nam thông qua các quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, các văn bản luật liên quan đến vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) và Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO.
Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty vận tải:
Điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên:
Về hình thức đầu tư: góp vốn; mua cổ phần hoặc phần vốn góp vào công ty vận tải (tùy loại hình công ty);
Điều kiện về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài:
Vận tải đường sắt: phải liên doanh với đối tác Việt Nam, vốn góp từ phía nước ngoài không được vượt quá 49%;
Vận tải đường bộ: phải liên doanh với đối tác Việt Nam, vốn góp từ phía nước ngoài không vượt quá 51%;
Vận tải đường biển: Đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách: phải thành lập liên doanh với Việt Nam và vốn nước ngoài không quá 49%; đối với dịch vụ liên quan đến vận tải quốc tế: được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài từ ngày 11/1/2012;
Vận tải đường thủy nội địa: phải liên doanh với đối tác Việt Nam, vốn góp từ phía nước ngoài không được vượt quá 49%;
Vận tải đường hành không: Các hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa sẽ tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, theo đó tỷ lệ góp vốn từ phía nước ngoài không vượt quá 30%; dịch vụ sữa chữa và bảo dưỡng máy bay không hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác: Dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ (trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay) phải thành lập liên doanh, vốn từ phía nước ngoài không vượt quá 50%; Dịch vụ kho bãi và đại lý vận tải hàng hóa hiện nay không giới hạn vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài…
Thực hiện đăng ký góp vốn vào công ty vận tải:
Do dịch vụ vận tải là ngành nghề có điều kiện nên khi tiến hành góp vốn, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn với Cơ quan đăng ký kinh doanh trước, cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký góp vốn bao gồm:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền (trường hợp nhà đầu tư không tự mình nộp và nhận kết quả hồ sơ);
Thủ tục thực hiện:
Nhà đầu tư nộp hồ sơ nêu trên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty vận tải đặt trụ sở chính;
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định theo Luật Đầu tư 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Sau khi có chấp thuận từ Phòng đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư có thể tiến hành góp vốn theo hình thức đã thỏa thuận. Công ty nhận phần vốn góp sẽ phải thực hiện các thủ tục thay đổi thành viên/cổ đông hoặc chuyển đổi loại hình công ty theo quy định của pháp luật.
Đầu tư theo hình thức góp vốn vào một công ty vận tải đang hoạt động tại Việt Nam sẽ dễ dàng hơn cho nhà đầu tư so với hình thức đầu tư để thành lập công ty. Bởi lẽ trên thực tế, khi muốn thành lập công ty, nhà đầu tư nước ngoài phải tìm kiếm đối tác Việt Nam để thành lập liên doanh, thực hiện thủ tục thành lập công ty và thủ tục xin cấp các loại giấy phép con khác. Để nắm rõ hơn về tỷ lệ phần vốn mình được phép sở hữu cũng như thủ tục đăng ký vốn góp, nhà đầu tư nên liên hệ và tham khảo ý kiến các công ty luật uy tín.