Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về quyền tác giả

Cùng với sự phát triển của thị trường sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, hệ thống thực thi bảo vệ quyền tác giả trong thương mại điện tử liên tục được cập nhật đổi mới gắn với các bước ngoặt của kinh tế xã hội. Những sửa đổi quan trọng của chế định quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022 cũng nằm phần lớn ở các quy định về bảo vệ quyền tác giả.

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015.
  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022.
  • Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
  • Thông tư số 03/2021/TT-BVHTTDL ngày 01 tháng 6 năm 2021 bổ sung một số điều của các thông tư quy định quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, sửa đổi bổ sung Điều 6 Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL.

Nội dung những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về quyền tác giả

Quyền tự bảo vệ (Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ) được sửa đổi khẳng định rõ quyền ủy quyền của chủ thể quyền tác giả cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng thay. Việc thông qua các tổ chức, cá nhân chuyên môn, am hiểu hơn sẽ bảo vệ quyền lợi cho chủ thể quyền một cách tốt nhất.

Ngoài ra, các quy định bảo vệ quyền tác giả được cập nhật mới bao gồm giả định quyền tác giả (Điều 198a), giám định sở hữu trí tuệ phục vụ xác định xâm phạm quyền tác giả (Điều 201), hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự (Điều 212), quy định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 214 để thống nhất với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, quy định về biện pháp kiểm soát hàng hóa, tạm dừng hải quan (Điều 216, 218).

Liên quan đến giám định tư pháp về quyền tác giả, các quy định mới về thời hạn giám định được hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-BVHTTDL ngày 01 tháng 6 năm 2021 bổ sung một số điều của các thông tư quy định quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa, sửa đổi bổ sung Điều 6 Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL đã khắc phục được sự kéo dài thủ tục và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các chủ thể.

Quy định tại Điều 203 cho phép nguyên đơn trong thủ tục tố tụng dân sự có thể yêu cầu Tòa án buộc bị đơn giao nộp chứng cứ xâm phạm là một quy định thích ứng với bối cảnh bằng chứng xâm phạm Internet khó thu thập. Những cập nhật trong hệ thống pháp luật đã cho thấy mức độ tương thích ngày càng cao của pháp luật bảo vệ quyền tác giả Việt Nam so với thế giới.

Liên quan đến biện pháp hình sự, trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015) có quy định các dấu hiệu định lượng như thu lời bất chính, giá trị hàng hóa vi phạm, thiệt hại cho chủ thể quyền. So với quy định trước đây, lượng hóa những dấu hiệu định tính được xem là một điểm tiến bộ nhằm hướng tới sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Một trong những tiến bộ quan trọng nhất của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đó là thiết lập một trách nhiệm mới đối với các chủ thể trung gian Internet của hành vi xâm phạm quyền tác giả trong thương mại điện tử mà trước kia thường chỉ phát sinh trách nhiệm liên đới. Phạm vi điều chỉnh của điều khoản safe harbor (bến cảng an toàn) ở Việt Nam tương đối rộng, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ trung gian Internet (Internet Service Provider – ISP) cung cấp phương tiện kỹ thuật trung gian đưa nội dung thông tin số lên mạng, trung gian kết nối cho công chúng tiếp cận và sử dụng nội dung thông tin số đó (Điều 198b.1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022).

Phải thừa nhận rằng, ISP hiện nay đóng vai trò như một cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ mới trong môi trường Internet. Thủ tục thông báo – gỡ xuống được cho là công cụ hữu hiệu để chủ sở hữu quyền tác giả có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng thông qua các điều kiện bắt buộc dành cho ISP nếu muốn hưởng đặc quyền miễn trách nhiệm. Nhờ vai trò quan trọng đó của ISP mà việc thực thi Điều 198b trong thời gian tới sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong hệ thống bảo vệ quyền tác giả trên các website thương mại điện tử ở Việt Nam.

Một số bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022 về quyền tác giả

Thứ nhất, quy định về các yếu tố xâm phạm quyền tác giả

Các yếu tố xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 7.1 Nghị định 105/2006/NĐ-CP đang ở dưới dạng liệt kê có giới hạn. Do vậy quy định này gặp khó khăn trong việc cập nhật kịp thời những sửa đổi mới của pháp luật.

Trong số đó, liên quan đến phạm vi lãnh thổ, hành vi bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền tác giả khi xảy ra tại Việt Nam, quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP giải thích thêm: “Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam”. Các hoạt động thương mại điện tử diễn ra trên nền tảng mạng Internet không biên giới, do đó nếu chỉ giới hạn hành vi xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng này bị xem xét trên lãnh thổ Việt Nam là chưa hợp lý. Thêm vào đó, khái niệm “tại Việt Nam”, một yếu tố quan trong cần xác định đầu tiên đối với một hành vi xâm phạm quyền tác giả trên Internet, lại chưa được hướng dẫn và thống nhất cách hiểu cụ thể.

Thứ hai, quy định về ngoại lệ quyền tác giả

Ngoại lệ quyền tác giả có thể bị lạm dụng để thu hẹp quyền tác giả và biện minh cho các hành vi xâm phạm. Tuy vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành chưa quy định tiêu chí để xác định mục đích thương mại của một hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả trong thương mại điện tử trong bối cảnh chứng cứ Internet dễ bị tẩu tán, khó thu thập. Chẳng hạn một người download một video trên Youtube, sau đó tải bản sao lên trang blog cá nhân để lưu trữ nhưng để truy cập mở dẫn đến nhiều người khác xem được, dẫn đến lượt xem kênh blog của người này tăng cao và được nhiều lời mời quảng cáo. Như vậy hành vi này được coi là sử dụng vì mục đích cá nhân hay thương mại rất khó xác định.

Quy định về vấn đề này, Luật Sở hữu trí tuệ Pháp có giải thích mục đích cá nhân nghĩa là bất cứ hành vi dùng chung nào cũng sẽ cấu thành xâm phạm. Tuy nhiên có thể thấy Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đang quy định ngoại lệ dưới dạng số lượng bản sao và hiểu mục đích cá nhân có nghĩa là không nhằm mục đích thương mại nên rất khó xác định khi áp dụng các quy định này vào thực tiễn. Việc ngoại lệ không xâm phạm không hạn chế phạm vi có thể dẫn tới bỏ lọt hành vi xâm phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả hợp pháp.

Thứ ba, quy định về trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Trong các biện pháp khắc phục, áp dụng điều khoản về trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực tiễn sẽ bộc lộ một số những bất cập sau:

Phạm vi điều chỉnh của điều khoản chưa bao quát.

Khái niệm “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian” chỉ tập trung vào điểm đầu và điểm cuối trong quá trình truyền dẫn thông tin số, mà vẫn chưa bao gồm trực tiếp các trường hợp ISP cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin số như trong Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL trước đó, tức là các dịch vụ “trung gian” của quá trình truyền dẫn. Như vậy, quy định tại luật chung lại không bao quát được các quy định tại các văn bản hướng dẫn, gây ra sự mâu thuẫn khi áp dụng.

Các điều kiện miễn trừ còn chưa được quy định cụ thể.

Quy định tại Điều 198b được tiếp cận theo hướng mở, tức là khi ISP đã biết về hành vi xâm phạm thì không được miễn trách nhiệm nếu không chủ động ngăn chặn. Khi đó, trong các thủ tục tố tụng, bên chủ thể quyền sẽ phải có nghĩa vụ chứng minh rằng ISP phải biết về hành vi xâm phạm của người dùng cho để tạo ra một trách nhiệm pháp lý cho các ISP. Trong khi đó, các điều kiện đặt ra tại Điều 198b lại khá chung chung, dễ dẫn đến việc nới lỏng phạm vi miễn trừ này và không đảm bảo được mục đích bảo vệ chủ thể quyền tác giả bị xâm phạm.

Quy định chưa ngăn chặn được các hệ quả bất lợi phát sinh.

Điều 198b không quy định về nghĩa vụ ngăn chặn tái phạm dẫn đến hệ quả chưa loại trừ tối đa khả năng tái diễn vi phạm. Đồng thời, việc chưa quy định cụ thể các yếu tố của một thông báo như ở các hệ thống pháp luật khác có thể dẫn đến việc bên thứ ba lạm dụng quyền thông báo để gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả chân chính. Trong khi đó, luật cũng chưa đặt ra biện pháp khắc phục của ISP trong trường hợp thông báo không chính xác, hoặc thậm chí gây thiệt hại đến uy tín, doanh số và khả năng bán hàng của chủ thể quyền tác giả bị gỡ xuống sản phẩm vô căn cứ.

Quy định chưa nêu rõ bản chất trực tiếp hay liên đới của trách nhiệm theo Điều 198b.

Điều này dẫn đến việc xác định phạm vi trách nhiệm, như căn cứ xác định bồi thường thiệt hại, có thể không tương đồng với bản chất của hành vi xâm phạm.

Có thể nhận định rằng những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về quyền tác giả đang mang đến những tín hiệu tích cực trong việc hội nhập với thị trường quyền tác giả sôi động trên thế giới.  Tuy vậy thực tiễn pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả ở Việt Nam vẫn cần cải thiện và đòi hỏi những biện pháp khả thi hơn để đối phó với thực trạng xâm phạm phức tạp hiện nay.

Quý khách có nhu cầu tư vấn về pháp luật sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất.

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tin tức

    Tin tức

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ Zalo 0961371818
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ qua Zalo
    Liên hệ Zalo 0961571818
    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO