Oman áp dụng các yêu cầu mới cho đơn đăng ký nhãn hiệu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Oman đã áp dụng các yêu cầu mới về giấy ủy quyền trong hồ sơ liên quan đến đăng ký nhãn hiệu. Những thay đổi này giúp minh bạch hóa và làm rõ ràng hơn các quy định hiện hành điều chỉnh quy trình bảo hộ nhãn hiệu tại văn phòng sở hữu trí tuệ Oman. Trong bài viết sau, Luật Việt An sẽ tổng hợp một số yêu cầu mới áp dụng cho đơn đăng ký nhãn hiệu tại Oman và sự ảnh hưởng của chúng.
Yêu cầu nộp bản gốc Giấy ủy quyền đối với các đại diện SHTT
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Xúc tiến Đầu tư Oman gần đây đã ban hành thông báo chính thức tới tất cả các đại diện sở hữu trí tuệ đăng ký nhãn hiệu (“Đại diện”). Trong thông báo này, người đứng đầu văn phòng sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Office) đã yêu cầu các đại diện phải nộp bản gốc giấy ủy quyền hợp pháp (power of attorney – POA) khi nộp đơn phản đối đăng ký, đơn kháng cáo, yêu cầu thay đổi tên, địa chỉ, hồ sơ chuyển nhượng và cấp phép, thay đổi đại diện SHTT, sửa đổi chi tiết của người nộp đơn, bằng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Việc nộp POA rất cần thiết để xử lý kịp thời các đơn yêu cầu này và tuân thủ Điều 4, 24 và 31 của Quy định hành pháp của Luật nhãn hiệu GCC thống nhất, theo Nghị định Hoàng gia số (33/2017) hiện hành đang được áp dụng.
Tại sao yêu cầu giấy ủy quyền POA trong hồ sơ cần được nêu bật?
Tại sao Oman giờ đây lại yêu cầu giấy uỷ quyền hợp pháp đối với các vụ kiện phản đối, vụ kiện kháng cáo, thay đổi tên, địa chỉ, hồ sơ chuyển nhượng và cấp phép, thay đổi đại lý dịch vụ, sửa đổi chi tiết của người nộp đơn, bằng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp?
So với việc nộp đơn mới, việc kiện phản đối, kháng cáo hay thực hiện thủ tục thay đổi đối với bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp phức tạp hơn nhiều. Các thủ tục này quyết định trực tiếp đến việc có cơ hội để được cấp/gia hạn/thay đổi đơn hay không. Việc các giấy uỷ quyền không phải bản gốc được hợp pháp đều có thể bị làm giả và sử dụng nhằm mục đích xấu. Các cá nhân, tổ chức không phải tác giả, nhà phát minh có thể lợi dụng việc chỉ cần nộp giấy uỷ quyền không phải bản gốc nhẳm mục đích thay đổi, tạo ra tranh chấp về bằng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp từ đó gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu.
Có thể nộp POA khi nào?
Theo thông lệ của cơ quan đăng ký nhãn hiệu Oman, chủ đơn nhãn hiệu được phép nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, gia hạn, ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ, chuyển nhượng, kháng cáo, phản đối hoặc thỏa thuận li-xăng chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu mà chưa cần nộp đầy đủ ngay các tài liệu bắt buộc (trong đó có POA).
Các tài liệu này được cho phép nộp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nộp đơn mà không mất thêm chi phí. Nếu quá thời hạn 60 ngày trên, người nộp đơn sẽ phải nộp khoản phí chính thức là 55 đô la Mỹ mà không có giới hạn thời gian. Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu và/ hoặc người nộp đơn (đại diện SHTT) cần chú ý bổ sung đơn trong khoảng thời gian này và chuẩn bị hồ sơ đáp ứng yêu cầu về hình thức dưới đây để kịp thời hạn luật định. Việc chậm chễ trong bổ sung hồ sơ hợp lệ sẽ dẫn đến phát sinh chi phí và thời gian xử lý đơn yêu cầu.
Hình thức bản gốc giấy ủy quyền (POA) theo yêu cầu
Bản gốc của giấy ủy quyền phải được dịch, công chứng hoặc hợp pháp hóa, khi nộp đơn xin cấp đơn phản đối, đơn kháng cáo, hồ sơ ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ, và giấy phép, hồ sơ ghi nhận thay đổi đại diện, sửa đổi thông tin chi tiết của người nộp đơn, bằng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, phải được nộp cho văn phòng SHTT.
Theo kinh nghiệm nghiệp vụ của các đại diện SHTT tại Oman, giấy ủy quyền trong đơn bắt buộc phải có chứng nhận Apostille nếu quốc gia của công ty nộp đơn là thành viên của Công ước Hague; hoặc, POA phải được hợp pháp hóa tại lãnh sự quán Oman ở nước ngoài.
Chứng nhận Apostille là gì?
Chứng nhận Apostille là một loại chứng nhận quốc tế, công nhận tính xác thực của các tài liệu công chứng hoặc hành chính để chúng có hiệu lực tại các quốc gia khác nhau. Apostille do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất xứ cấp và có thể được sử dụng tại các quốc gia tham gia Công ước Hague về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài
Nếu như các công ty nộp đơn là của các quốc gia thành viên của công ước Hague thì không cần hợp pháp hoá lãnh sự mà chỉ cần chứng nhận Apostille. Ngược lại các công ty nộp đơn không phải của các quốc gia là thành viên của công ước thì giấy uỷ quyền bắt buộc phải được hợp pháp hoá lãnh sự.
Một số lợi ích của việc Oman áp dụng các yêu cầu mới cho đơn đăng ký nhãn hiệu
Xác minh tính hợp pháp và chính xác: Giấy uỷ quyền gốc là căn cứ để xác định xem các bên có thực sự đồng ý với thực hiện công việc theo ủy quyền của chủ đơn hay không, đồng thời cũng đảm bảo tính chính xác của văn bản này nhằm ngăn ngừa các hành vi giả mạo.
Bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, người nộp đơn: Nộp giấy uỷ quyền gốc sẽ đảm bảo toàn bộ nội dung và ý chí được thể hiện trong đó là đúng sự thật, phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó sẽ giúp giảm các tranh chấp, vấn đề phát sinh nếu có trong quá trình nộp/gia hạn…
Giảm thiểu phát sinh thủ tục, chi phí cho cơ quan đăng ký và chủ đơn: Việc ra soát các giấy uỷ quyền bản sao rất mất thời gian trong bối cảnh số đơn ngày càng có xu hướng tăng, đồng thời việc xác minh các giấy tờ này sẽ yêu cầu chủ đơn hoặc/và các bên liên quan đến cơ quan có thẩm quyền để xác nhận gây mất thời gian và chi phí cho các bên
Quy định bắt buộc phải nộp giấy ủy quyền hợp pháp (POA) khi nộp đơn xin các vụ kiện phản đối, vụ kiện kháng cáo, thay đổi tên, địa chỉ, hồ sơ chuyển nhượng và cấp phép, thay đổi đại lý dịch vụ, sửa đổi chi tiết của người nộp đơn, bằng sáng chế và kiểu dáng công nghiệp là động thái mới nhất của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Xúc tiến Đầu tư Oman nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của các chủ đơn đồng thời làm giảm các thủ tục cũng như chi phí cho cả các chủ đơn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Trên đây là một số nội dung cập nhật của Luật Việt An về việc cơ quan SHTT Oman áp dụng các yêu cầu mới cho đơn đăng ký nhãn hiệu. Mọi thắc mắc, yêu cầu liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và các quốc gia, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn kịp thời!