Quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài Singapore được không?
Hiện nay, trọng tài đã dần trở thành phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, vẫn còn một số thắc mắc liên quan đến thẩm quyền của các tổ chức trọng tài ở một nước có giải quyết được vụ việc phát sinh ở nước khác hay không, ví dụ như liệu quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài Singapore được không? Để tìm hiểu rõ hơn, công ty Luật Việt An sẽ đưa ra một số tư vấn liên quan vấn đề này.
Khái quát về vấn đề quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam
Tranh chấp trong quan hệ thương mại là gì?
Tranh chấp trong quan hệ thương mại phát sinh từ các quan hệ kinh tế, thương mại. Đó là biểu hiện những mâu thuẫn hay xung đột về quyền, nghĩa vụ giữa các bên khi tham gia vào quan hệ thương mại.
Tranh chấp trong quan hệ thương mại có thể xảy ra tại trong nước hoặc nước ngoài tùy thuộc vào nhà đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường có phạm vi vượt ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia hay không.
Quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam
Nhìn chung, quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam có thể được hiểu là những mâu thuẫn, bất đồng về yêu cầu hay quyền lợi giữa các bên phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Một số quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Theo quy định thế giới
Theo khoản 1 Điều 20 Luật Mẫu về trọng tài thương mại quốc tế, các bên được tự do thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nếu các bên không có thoả thuận khác, thì địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định căn cứ các tình tiết của vụ việc, có tính đến sự thuận tiện cho các bên.
Hay theo Luật trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh quy định tại Mục 3 Luật Trọng tài năm 1996 của Vương Quốc Anh quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nghĩa là địa điểm có tính pháp lý, được xác định dựa trên:
Thỏa thuận lựa chọn của các bên trong thỏa thuận trọng tài hoặc
Lựa chọn của bất kỳ trọng tài hoặc tổ chức nào khác hoặc người được các bên ủy quyền trong vấn đề đó, hoặc
Lựa chọn của Hội đồng trọng tài nêu được các bên ủy quyền hoặc được tự xác định địa điểm giải quyết tranh chấp trong hợp các bên không có bất kỳ thỏa thuận lựa chọn nào.
Bên cạnh đó, Luật Trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh còn một số quy định khác:
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào khác, phán quyết trọng tài phải được lập thành văn bản và có chữ ký của tất cả các trọng tài viên (hoặc tất cả trọng tài viên đồng ý với phán quyết đó), phán quyết phải nêu rõ lý do, địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và ngày ban hành phán quyết (khoản 3 – 5 Mục 52).
Một phán quyết sẽ được coi như được ban hành tại địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bất kể nó đã được ban hành ở đâu, gửi đi hoặc giao cho bất kỳ bên nào (Điểm b khoản 2 Mục 100). Căn cứ vào địa điểm giải quyết tranh chấp để xác định phán quyết đó có là phán quyết trọng tài nước ngoài hay không để thực thi Công ước New York 1958.
Theo quy định pháp luật Việt Nam
“Địa điểm giải quyết tranh chấp” được quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể:
“Địa điểm giải quyết tranh chấp” là nơi Hội đồng trọng tài đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trong tại tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó (khoản 8 Điều 3). Việt Nam là thành viên của Công ước New York năm 1958 kể từ ngày 11/12/1995, do đó, phán quyết của trọng tài được tuyên hoặc được coi là tuyên tại Việt Nam sẽ được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài theo Công ước này.
Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp, trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định: Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Nam (khoản 1 Điều 11). Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác (khoản 2 Điều 11).
Liệu các bên có thể thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại nước khác được không?
Nhìn chung, với một số quy định được nêu ở trên, các bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp trọng tài tại nước khác với nước xảy ra tranh chấp.
Ví dụ, nếu là hai bên là thương nhân Việt Nam xảy ra tranh chấp tại Việt Nam, thì theo Điều 11 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thì việc lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp do các bên tự thỏa thuận, đó có thể là ở lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài Singapore được không?
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Singapore
Quy định pháp luật về trọng tài tại Singapore cho phép giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua trọng tài, miễn là tất cả các bên đồng ý, trừ khi các thỏa thuận trọng tài được coi là trái với chính sách công. Hơn nữa, nếu một văn bản pháp luật cụ thể trao quyền thẩm quyền đối với một vấn đề cụ thể cho bất kỳ Tòa án nào mà không đề cập đến thẩm quyền trọng tài, thì điều khoản trọng tài cũng sẽ không ưu tiên thẩm quyền của trọng tài trong vấn đề đó.
Tại Singapore, những vấn đề không thể giải quyết bằng phương thức trọng tài vì trái với chính sách công không được quy định cụ thể trong các điều khoản của luật, mà thường được xác định thông qua các án lệ. Do đó, những vấn đề được xem là trái với chính sách công và không được phép giải quyết bằng trọng tài có thể kể đến như quyền công dân, hôn nhân, giấy phép theo quy định pháp luật, phá sản và trách nhiệm hình sự.
Trả lời về ví dụ trên
Như vậy, để có thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Singapore cần thỏa mãn các điều sau đây:
Thứ nhất, các bên trong quan hệ tranh chấp phát sinh tại Việt Nam phải có sự thỏa thuận, đồng ý về việc chọn trung tâm trọng tài Singapore.
Thứ hai, quan hệ tranh chấp phát sinh đó tại Việt Nam không liên quan tới những vấn đề mà phương thức trọng tài không thể giải quyết được như là vấn đề trái với chính sách công, quyền công dân, hôn nhân, giấy phép theo quy định pháp luật, phá sản và trách nhiệm hình sự.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về pháp luật trọng tài thương mại, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!