Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã sửa đổi các quy định tại Điều 4 và Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Theo quy định mới này, Luật Sở hữu trí tuệ đã hướng giới hạn lại phạm vi người tiêu dùng và phạm vi sử dụng các tiêu chí để công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định cụ thể như sau:
Quy định mới bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.Theo quy định cũ trước đây, một nhãn hiệu chỉ được công nhận và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng nếu đáp ứng 2 tiêu chí:
Nhãn hiệu đó phải được người tiêu dùng biết đến rộng rãi;
Sự biết đến nhãn hiệu này phải diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Khái niệm “người tiêu dùng” được hiểu là công chúng nói chung (công chúng đại chúng), chứ không phải là “bộ phận công chúng có liên quan” như trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022. Do vậy, để một nhãn hiệu được bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, buộc nhãn hiệu đó phải được công chúng nói chung (công chúng đại chúng) trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến một cách rộng rãi. Điều này vô cùng cản trở cho các chủ sở hữu có nhãn hiệu nổi tiếng trong mỗi lĩnh vực đặc thù cụ thể, mà chỉ có công chúng, người tiêu dùng trong lĩnh vực liên quan mới có thể biết và tiếp cận được thì rất khó để yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Trên thực tế trước đây nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng đành ngậm ngùi bị mất nhãn hiệu của mình tại thị trường Việt Nam bởi những chủ thể thiếu trung thực và có hành vi cạnh trạnh không lành mạnh.
Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng
Để chứng minh một nhãn hiệu là nổi tiếng, chủ nhãn hiệu phải cung cấp các tài liệu chứng minh theo 8 tiêu chí xác định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể:
Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Yêu cầu của quy định cũ này tạo ra gánh nặng quá mức và bất khả thi với hầu hết các chủ nhãn hiệu nếu muốn chứng minh nhãn hiệu của họ đáp ứng quy định về nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Quy định này được đánh giá là đặt ra yêu cầu cao một cách bất hợp lý (so với Hiệp định Trips), khiến cho một nhãn hiệu có thể được xem là nổi tiếng ở nhiều quốc gia và đã sử dụng rộng rãi trong thương mại tại Việt Nam, nhưng do không chứng minh được nhãn hiệu đó đã được biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam bởi công chúng nói chung (công chúng đại chúng), nên không thể được công nhận là nổi tiếng tại Việt Nam.
Theo đó, Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi theo hướng cơ quan có thẩm quyền, tùy theo đối tượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu cũng như người tiêu dùng có liên quan, có thể xem xét đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng dựa trên một số hoặc tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ mà không phải yêu cầu có tất cả 8 tiêu chí nêu trên.
Quy định về thời điểm nhãn hiệu được coi là nổi tiếng
Quy định mới được sửa đổi tại Điểm i khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 như sau: “Thời điểm nhãn hiệu được coi là nổi tiếng khi xem xét để làm nhãn hiệu đối chứng, đó là, nhãn hiệu đối chứng bắt đầu nổi tiếng trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký”.
Quy định này có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thực hiện quyền phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu dựa trên quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Theo đó, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng chứng minh được các tiêu chí:
Cung cấp bằng chứng chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng phải có (được thiết lập) trước ngày nộp đơn của bên cho rằng đang xâm phạm . Theo đó các tài liệu/chứng cứ có sau ngày nộp đơn của bên cho rằng đang xâm phạm không có giá trị chứng minh và không được chấp nhận.
Có thể thấy, quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, dễ dàng áp dụng, thuận lợi hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nhãn hiệu nổi tiếng. Theo đó, khi chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng phát hiện bên thứ ba nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng, hay sử dụng một dấu hiệu tương tự/trùng với nhãn hiệu nổi tiếng trong các hoạt động thương mại tại Việt Nam có cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời có cơ sở để yêu cầu công nhận bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Quy định mới về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đã khắc phục các hạn chế trong một thời gian dài đã cản trở việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng của các chủ thể quyền thực thụ, các chủ sở hữu đích thực.
Công ty luật Việt An là một Đại diện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam với đầy đủ tư cách pháp lý, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ là địa chỉ tin cậy để các chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng tại nước ngoài và Việt Nam thực hiện các quyền bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam và nước ngoài. Vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất, chuyên nghiệp nhất!