Quy định mới về giấy phép thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
Ngày 07/3/2025, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08/2025/TT-BYT quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu, thay thế quy định cũ tại Thông tư số 52/2015/TT-BYT, Thông tư số 29/2020/TT-BYT. Theo đó, từ ngày 7/3/2025 sẽ chính thức áp dụng quy định mới về giấy phép thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Sau đây, Luật Việt An sẽ cập nhật một số thông tin đáng chú ý trong quy định mới này.
Khi nào phải xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu?
Theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư 08/2025/TT-BYT, cần xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu.
Lưu ý:
Việc xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu theo Thông tư 08/2025/TT-BYT chỉ áp dụng đối với lô hàng xuất khẩu (lô hàng có thể gồm một hoặc nhiều mặt hàng, một hoặc nhiều lô sản phẩm) hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận y tế hoặc Giấy chứng nhận khác có liên quan trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu) được cấp cho sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu tại đâu?
Theo Điều 5 Thông tư 08/2025/TT-BYT, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lô hàng xuất khẩu hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu đề nghị cấp giấy chứng nhận đến Bộ Y tế (cụ thể là Cục An toàn thực phẩm).
Như vậy, Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực phẩm xuất khẩu.
Hồ sơ xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho 01 (một) lô hàng xuất khẩu hoặc một cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu theo Điều 4 Thông tư 08/2025/TT-BYT gồm:
Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 08/2025/TT-BYT:
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc một trong các Giấy chứng nhận:
Thực hành sản xuất tốt (GMP),
Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP),
Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000,
Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS),
Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC),
Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực (Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân xuất khẩu), trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;
Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của mẫu thử thuộc lô sản phẩm thực phẩm xuất khẩu (đối với Giấy chứng nhận y tế và các giấy chứng nhận khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu), có đầy đủ thông tin về tên sản phẩm, lô sản phẩm thực phẩm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 (Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực), đạt yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (đối với sản phẩm đã có Quy chuẩn kỹ thuật); hoặc đạt các chỉ tiêu theo quy định/yêu cầu kỹ thuật (đối với sản phẩm chưa có Quy chuẩn kỹ thuật).
Xác nhận đóng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu.
Lưu ý: Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận theo mẫu do nước nhập khẩu quy định có những thông tin này, thì tổ chức, cá nhân phải nộp các giấy tờ liên quan phù hợp để chứng minh các thông tin đó.
Trình tự thủ tục xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu
Trình tự thủ tục xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu theo quy định mới về giấy phép thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế tại Điều 5 Thông tư 08/2025/TT-BYT như sau:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lô hàng xuất khẩu hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ đến Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ phận một cửa của Bộ Y tế.
Thời hạn cấp không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời.
Sau 90 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.
Cần lưu ý:
Giấy chứng nhận hoặc văn bản nêu rõ lý do không cấp được trả tương ứng với hình thức nộp hồ sơ.
Số lượng Giấy chứng nhận được cấp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu.
Các thành phần hồ sơ phải còn hiệu lực pháp lý tại thời điểm nộp hồ sơ.
Lưu ý mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận
Theo mức biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 67/2021/TT-BTC, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu (Giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy chứng nhận xuất khẩu, giấy chứng nhận y tế) 1.000.000 đồng/lần/giấy chứng nhận.
Như vậy, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu là .000.000 đồng/lần/giấy chứng nhận.
Lưu ý các trường hợp bị thu hồi giấy phép thực phẩm xuất khẩu
Các trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận bao gồm:
Tổ chức, cá nhân bị phát hiện cung cấp một trong các thành phần hồ sơ giấy tờ giả mạo hoặc không đúng quy định của pháp luật trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận được cấp cho lô hàng xuất khẩu mà mặt hàng thực phẩm thuộc lô hàng đó không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã công bố áp dụng (nếu có).
Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu mà cơ sở đó bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
Giấy chứng nhận được cấp không đúng thẩm quyền.
Theo đó, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) ban hành văn bản thu hồi giấy chứng nhận và gửi cho tổ chức, cá nhân xuất khẩu đã được cấp giấy chứng nhận; đồng thời đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Cục và gửi thông báo đến cơ quan hải quan về việc giấy chứng nhận không còn giá trị hiệu lực; Giấy chứng nhận hết hiệu lực kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thu hồi.
Ý nghĩa của quy định mới về giấy phép thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
Thông tư 08/2025/TT-BYT của Bộ Y tế là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và tính minh bạch của ngành thực phẩm xuất khẩu Việt Nam.
Quy định này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng toàn cầu.
Các doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện đầy đủ, chính xác các thủ tục và hồ sơ theo quy định để quá trình xuất khẩu diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Hơn nữa, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế sẽ tạo dựng niềm tin vững chắc cho các đối tác, khách hàng quốc tế và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm Việt Nam.
Trên đây là cập nhật quy định mới về giấy phép thực phẩm xuất khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn về xin giấy phép thực phẩm xuất khẩu, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!