Theo quy định tại thông tư số 01/2018/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 08/01/2018 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thì hằng năm, các bộ, công chức, viên chức phải tham gia vào những chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn hằng năm. Sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng tùy từng trường hợp.
Chủ thể có quyền in, cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu được cấp có thẩm quyền giao thực hiện việc bồi dưỡng. Chứng chỉ bồi dưỡng được cấp 01 lần cho học viên hoàn thành khóa học. Trường hợp chứng chỉ bị mất, hư hỏng, người được cấp chứng chỉ đề nghị thì được cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng.
Cán bộ, công chức, viên chức được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi đáp ứng các điều kiện sau:
Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng;
Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án phải đạt từ 05 điểm trở lên (chấm theo thang điểm 10);
Chấp hành quy chế, nội quy học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Chứng chỉ bồi dưỡng bị thu hồi trong các trường hợp sau:
Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập;
Cấp cho người không đủ điều kiện; cấp không đúng thẩm quyền;
Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa;
Để cho người khác sử dụng.
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức. Những hành vi vi phạm các quy định về việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ nếu có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài và các tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thông tư bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.