Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc là sự kết hợp và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Kiểu dáng công nghiệp là kết tinh giá trị sáng tạo thẩm mỹ, khi đáp ứng các điều kiện luật định sẽ được bảo hộ độc quyền sở hữu trong một khoảng thời gian nhất định. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho khách hàng những thông tin về quyền với kiểu dáng công nghiệp.
Quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Của tác giả
Quyền nhân thân
Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về kiểu dáng công nghiệp.
Quyền tài sản
Tác giả có quyền nhận thù lao bởi chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì mức thù lao trả cho tác giả như sau:
Đối với kiểu dáng công nghiệp của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước:
Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng kiểu dáng công nghiệp.
Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp thuế.
Đối với trường hợp thông thường
10% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng kiểu dáng công nghiệp.
15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp thuế.
Lưu ý: Trong trường hợp kiểu dáng công nghiệp có đồng tác giả, mức thù lao này là mức dành cho các đồng tác giả. Các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
Của chủ sở hữu
Chủ sở hữu bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có quyền:
Quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ. Việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp là thực hiện các hành vi sau đây: Sản xuất sản phẩm với một hình dáng của kiểu dáng công nghiệp đã được cấp bằng độc quyền; lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông và nhập khẩu các sản phẩm nói trên.
Quyền ngăn chặn người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không nhận được ủy quyền của riêng mình.
Quyền yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Lưu ý: Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn chờ cấp bằng, chủ đơn đăng ký vẫn có quyền tạm thời – một công cụ pháp lý để chống lại việc sử dụng trái phép.
Của người có quyền sử dụng trước
Trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có các quyền:
Tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
Được phép chuyển giao quyền sử dụng cho người khác trong trường hợp chuyển giao quyền kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng kiểu dáng công nghiệp.
Xử lý xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp?
Các hành vi xâm phạm đến quyền với kiểu dáng công nghiệp được gọi là vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Khi phát hiện có vi phạm kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu quyền cần tiến hành xử lý theo quy trình như sau:
Bước 1: Điều tra xác minh và thu thập thông tin xâm phạm kiểu dáng
Chủ sở hữu thực hiện việc xác định đối tượng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, hình thức xâm phạm cũng như các thông tin về bên xâm phạm. Đặc biệt, chủ sở hữu phải xác định rõ hành vi có vi phạm kiểu dáng công nghiệp.
Căn cứ Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022, các trường hợp bị coi là xâm phạm quyền với kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu.
Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù.
Ngoài ra, chủ sở hữu có thể căn cứ vào Thông tư 11/2015/TT-BKHCN để thực hiện việc xác định. Tuy nhiên, cần lưu ý một số trường hợp sau không được coi là hành vi xâm phạm:
Sử dụng kiểu dáng công nghiệp cho mục đích phi thương mại, hoặc cho các mục đích của việc đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử nghiệm hoặc thu thập dữ liệu để thực hiện các thủ tục để có được một sản phẩm cấp phép sản xuất, nhập khẩu, giấy phép tiếp thị;
Việc sử dụng chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của người nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời ở trong lãnh thổ Việt Nam;
Sử dụng thiết kế công nghiệp của người sử dụng trước.
Bước 2: Giám định hành vi xâm phạm tại Viện khoa học Sở hữu trí tuệ
Việc giám định hành vi xâm phạm được tiến hành bởi Viện khoa học Sở hữu trí tuệ (VPRI) có địa chỉ tại Số 9 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Sau khi nộp hồ sơ yêu cầu giám định, thông tin về đối tượng yêu cầu giám định được tra cứu, xác định.
Bước 3: Gửi thư khuyến cáo hành vi xâm phạm đối với bên vi phạm
Sau khi đã có kết quả giám định, xác định rõ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền sẽ gửi thư cảnh báo tới bên vi phạm và đưa ra phương án thương lượng hoặc hòa giải trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm ra cách giải quyết hiệu quả cho cả hai bên.
Bước 4: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm xâm phạm kiểu dáng
Nếu không thể thương lượng hoặc hòa giải được thì cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Đơn yêu cầu xử lý vi phạm gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 89 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, gồm các nội dung:
Ngày làm đơn, thông tin về tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm, bên liên quan, người làm chứng (nếu có);
Người đại diện hợp pháp hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền;
Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm;
Thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm;
Thông tin tóm tắt về quyền sở hữu; thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm; biện pháp yêu cầu xử lý;
Chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu (nếu có).
Đơn yêu cầu phải kèm theo tài liệu chứng minh quyền yêu cầu xử lý; tài liệu về hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
Bước 5: Cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp
Qua quá trình xác minh, nếu xác định có hành vi xâm phạm, chủ thể thực hiện hành vi sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp dân sự.
Biện pháp hành chính
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền với kiểu dáng công nghiệp sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Theo quy định, mức phạt hành chính sẽ tùy thuộc vào hành vi xâm phạm và giá trị hành hóa, dịch vụ vi phạm. Trong đó, mức phạt cao nhất với cá nhân có hành vi xâm phạm quyền với kiểu dáng công nghiệp là 250.000.000 đồng, với pháp nhân có hành vi xâm phạm quyền với kiểu dáng công nghiệp là 500.000.000 đồng.
Biện pháp dân sự
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm còn có thể bị áp dụng:
Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
Buộc bồi thường thiệt hại;
Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!