Thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế
Để bảo đảm hiệu quả trong quản lý thu ngân sách nhà nước, đồng thời xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi, pháp luật về thuế hiện hành đã quy định rõ về các trường hợp được xóa nợ cũng như phân định thẩm quyền xóa nợ cho từng cấp. Việc xác định đúng cơ quan có thẩm quyền xóa nợ thuế trong từng trường hợp cụ thể là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính hợp pháp, hạn chế rủi ro pháp lý và nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ thuế. Sau đây, Luật Việt An xin cung cấp đến quý khách hàng các thông tin liên quan đến thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế (cập nhật Nghị định 122/2025/NĐ-CP).
Các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Căn cứ Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019, tổ chức, cá nhân được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trong các trường hợp sau:
Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
Các tổ chức, cá nhân khác đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế (như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…) nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi;
Các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Ai có trách nhiệm lập hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt?
Căn cứ khoản 1 Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đến cơ quan có thẩm quyền.
Thành phần hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Văn bản đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
Bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan thuế các văn bản sau:
Quyết định tuyên bố phá sản; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được hoặc không thu hồi được (Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản);
Giấy chứng tử, hoặc Giấy báo tử, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết hoặc các giấy tờ thay cho Giấy báo tử; Văn bản có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cá nhân đã chết về việc người chết không có tài sản (Đối với trường hợp cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết)
Quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; Văn bản do người giám hộ lập có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân mất năng lực hành vi dân sự cư trú về việc cá nhân mất năng lực hành vi dân sự không có tài sản (Đối với trường hợp cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự);
Văn bản của cơ quan thuế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đầu tư…; Quyết định thu hồi giấy phép thành lập; Các Quyết định cưỡng chế thi hành của cơ quan thuế; Văn bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người nộp thuế không còn tài sản, không còn kinh doanh (Đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm).
Thông báo tiền thuế nợ tại thời điểm đề nghị xóa nợ.
Thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế từ ngày 01/07/2025
Căn cứ Điều 5 Nghị định 122/2025/NĐ-CP và Điều 87 Luật Quản lý thuế 2019, từ ngày 01/07/2025, thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã có sự thay đổi so với trước, cụ thể:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định xóa nợ đối với các trường hợp sau:
Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cá nhân nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi;
Doanh nghiệp, hợp tác xã nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5.000.000.000 đồng đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.
Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;
Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10.000.000.000 đồng trở lên. Trước đây, thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với mức từ 15.000.000.000 đồng trở lên do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trình tự, thủ tục thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế
Đối với trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định
Bước 1: Đội thuế cơ sở lập hồ sơ xóa nợ và gửi đến chi cục thuế khu vực thẩm định hồ sơ;
Bước 2: Chi cục thuế khu vực lập văn bản đề nghị, dự thảo quyết định xóa nợ gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế.
Đối với trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế do Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định
Bước 1: Đội thuế cơ sở lập hồ sơ xóa nợ và gửi đến chi cục thuế khu vực để thẩm định hồ sơ;
Bước 2: Chi cục thuế khu vực lập văn bản đề nghị, kèm theo hồ sơ gửi đến Cục thuế để thẩm định;
Bước 3: Cục Thuế thẩm định hồ sơ đề nghị xóa nợ và lập dự thảo quyết định xóa nợ trình Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải Quan xem xét, quyết định;
Bước 4: Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải Quan ban hành quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế.
Đối với trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định
Bước 1: Đội thuế cơ sở lập hồ sơ xóa nợ và gửi đến chi cục thuế khu vực để thẩm định hồ sơ;
Bước 2: Chi cục thuế khu vực lập văn bản đề nghị, kèm theo hồ sơ gửi đến Cục thuế để thẩm định;
Bước 3: Cục Thuế thẩm định hồ sơ đề nghị xóa nợ và lập dự thảo quyết định xóa nợ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định;
Bước 4: Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế.
Các điều kiện bắt buộc để được xóa nợ
Người nộp thuế không còn hoạt động và không còn tài sản để thu nợ, kể cả sau khi đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế;
Không được áp dụng cho các trường hợp trốn thuế, gian lận về thuế, cố tình chậm trễ thanh toán nợ thuế trong khi vẫn còn khả năng thanh toán;
Cơ quan thuế phải có các tài liệu chứng minh về việc cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ biện pháp đôn đốc, cưỡng chế; có đầy đủ tài liệu chứng minh người nộp thuế không còn khả năng nộp thuế (Có biên bản xác minh tài sản, kết quả cưỡng chế không thành công, kết luận thanh tra, kiểm tra, phá sản…);
Thẩm quyền xóa nợ phải theo đúng mức phân cấp.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết về pháp luật thuế, hay thẩm quyền quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế (cập nhật Nghị định 122/2025/NĐ-CP) xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!