Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Phú Thọ
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính và tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình để hình thành một tỉnh mới, dự kiến lấy tên Phú Thọ đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Phú Thọ đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với vai trò là đơn vị tư vấn pháp lý chuyên sâu, Luật Việt An xin gửi tới cái nhìn tổng quan về trình tự, thủ tục và những lưu ý pháp lý quan trọng khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Phú Thọ qua bài viết sau đây
Chính sách ưu đãi đầu tư tại Phú Thọ
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập với Vĩnh Phúc và Hòa Bình. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể được miễn thuế trong hai năm đầu kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế và được giảm 50% thuế trong bốn năm tiếp theo; thuế suất ưu đãi 17% được áp dụng trong thời hạn mười năm đối với các dự án đầu tư tại những khu vực ưu tiên như các cụm công nghiệp Tử Đà – An Đạo, Ngọc Quan, Quảng Yên,…
Ngoài ra, Phú Thọ còn có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về hạ tầng như miễn phí dịch vụ công nghiệp trong năm đầu tiên, giá thuê đất hợp lý và hỗ trợ chi phí đào tạo lao động địa phương. Tỉnh cũng đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, từ việc đăng ký đầu tư đến các thủ tục pháp lý liên quan. Các chính sách này thể hiện rõ quyết tâm của Phú Thọ trong việc tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và bền vững trong giai đoạn phát triển mới
Điều kiện cần đáp ứng khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Phú Thọ
Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020, để nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung và tại Phú Thọ nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng những điều kiện như sau:
Nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020.
Thành lập công ty theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Các bước thành lập doanh nghiệp/công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Phú Thọ
Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại Điều 33, Điều 36 Nghị định 32/2021/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:
Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;
Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau:
Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư;
Mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn;
Đđịa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có);
Nhu cầu về lao động;
Đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Căn cứ Điều 39 Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại tỉnh Phú Thọ thuộc về cơ quan sau đây:
Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm:
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Tính đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ vẫn duy trì 7 Khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, bao gồm: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa và Phù Ninh. Trong số này, 4 KCN đã đi vào hoạt động là Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà và Cẩm Khê; các KCN còn lại đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư.
Về cụm công nghiệp (CCN), đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ có 28 CCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích khoảng 1.100 ha. Trong đó, 21 CCN đã được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích khoảng 1.076 ha.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đã đề ra kế hoạch phát triển đến năm 2030, trong đó dự kiến mở rộng lên 12 KCN với tổng diện tích khoảng 5.095 ha, bao gồm việc hình thành thêm 5 KCN mới: Thanh Ba, Bắc Sơn, Đồng Lương, Đoan Hùng và Võ Miếu
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nộp tại Cơ quan đăng ký đầu tư;
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư lựa chọn thành lập. Dưới đây là những tài liệu cơ bản mà nhà đầu tư cần chuẩn bị để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
Điều lệ công ty
Danh sách chủ sở hữu công ty (nếu là Công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh).
Bản sao giấy tờ tùy thân của thành viên/cổ đông/chủ sở hữu công ty
Giấy ủy quyền (nếu không tự nộp hồ sơ)
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp thì thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc về Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc dấu
Khắc con dấu tròn công ty (Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp tự quyết định mẫu dấu, số lượng dấu).
Với sự hỗ trợ pháp lý và môi trường đầu tư thuận lợi, Phú Thọ sẽ là điểm đến lý tưởng cho các dự án đầu tư nước ngoài. Luật Việt An luôn sẵn sàng đồng hành cùng quý khách hàng trong suốt quá trình đầu tư, từ tư vấn pháp lý đến triển khai dự án.