Nhu cầu nhập khẩu thiết bị in ấn là rất lớn, không chỉ đối với các cơ sở in ấn mà còn với các doanh nghiệp kinh doanh mua bán các loại thiết bị này hoặc các công ty, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng thiết bị in ấn cho mục đích sử dụng nội bộ. Để thuận tiện cho Quý Khách hàng, Công ty Luật Việt An xin tổng hợp và gửi đến Quý Khách hàng một số quy định liên quan như sau:
Bước 1: Thành lập công ty
Với doanh nghiệp kinh doanh thiết bị in thì trước tiên phải thực hiện thủ tục thành lập công ty (nếu chưa có doanh nghiệp):
Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên/cổ đông là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên/cổ đông là tổ chức; bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó;
Giấy ủy quyền cho Công ty Luật Việt An;
Một số giấy tờ khác (trong trường hợp cần thiết).
Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời hạn: 03 – 06 ngày làm việc.
Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp
Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các thông tin được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Công ty Luật Việt An hoặc tự mình khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Bước 2: Xin cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị in
Áp dụng với:
Cơ sở in;
Doanh nghiệp có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị ngành in theo quy định của pháp luật;
Cơ quan, tổ chức khác có tư cách pháp nhân được phép sử dụng thiết bị in để phục vụ công việc nội bộ.
Danh mục thiết bị in phải xin giấy phép nhập khẩu:
Theo Điều 9 Thông tư 03/2015/TT-BTTTT thì các thiết bị in khi nhập khẩu phải có Giấy phép nhập khẩu thiết bị in bao gồm:
Máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in là máy chuyên dùng phục vụ khâu chế bản (trước in) trong hoạt động in;
Máy in sử dụng công nghệ kỹ thuật số có tốc độ trên 50 tờ/phút A4 hoặc có khổ in trên A3;
Máy in sử dụng công nghệ in ốp-xét (offset), flexo, ống đồng; máy in lưới (lụa);
Máy dao cắt (xén) giấy, máy gấp sách (gấp giấy), máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in (từ hai công đoạn trở lên);
Máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị in gồm:
Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo mẫu số 06 – Thông tư 03/2015/TT-BTTTT;
Ca-ta-lô (catalogue) của từng loại thiết bị in;
Bản sao có chứng thực: Giấy phép hoạt động in hoặc tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in đã được xác nhận (đối với cơ sở in);
Bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu thiết bị in);
Bản sao quyết định thành lập (đối với cơ quan, tổ chức nhập khẩu thiết bị in dùng nội bộ).
Nơi nộp hồ sơ: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thời hạn: Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp pháp, Bộ Thông tn và Truyền thông phải cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in. Nếu từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Chủ thể nhập khẩu thiết bị in phải nhập khẩu đúng với nội dung ghi nhận trên giấy phép nhập khẩu thiết bị in;
Không được sửa chữa, tẩy xóa, chuyển nhượng giấy phép nhập khẩu thiết bị in;
Tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có)…;
Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật và thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực liên quan, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để biết thêm chi tiết!