Việc thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân, dù là một doanh nghiệp, quỹ từ thiện, hay hiệp hội, đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ điều kiện các quy định pháp luật hiện hành. Quy trình này bao gồm việc xác định loại hình tổ chức phù hợp, chuẩn bị các tài liệu cần thiết, và thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết với cơ quan chức năng. Mỗi bước trong quá trình này đều có ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động và sự phát triển bền vững của tổ chức trong tương lai. Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp những quy định về thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân.
Tổ chức có tư cách pháp nhân là gì?
Tổ chức có tư cách pháp nhân được hiểu là tổ chức nhà nước công nhận để hoạt động một cách độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật và có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một pháp nhân được pháp luật quy định
Có 2 loại pháp nhân gồm:
Pháp nhân thương mại: bao gồn doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, hoạt động với mục đích tạo ra lợi nhuận và chia đều lợi nhuận cho các thành viên
Pháp nhân phi thương mại: hoạt động với mục tiêu chính không phải là tìm kiếm lợi nhuận; hoặc hoặt động có lợi nhuận thì lợi nhuận này cũng không được chia cho các thành viên. Có thể kể đến như cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị,….
Điều kiện để có tư cách pháp nhân
Căn cứ theo Điều 74, Bộ Luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật;
Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
Tài sản của pháp nhân. Bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Tài sản của pháp nhân phải hoàn toàn tách biệt với tài sản của các cá nhân là thành viên.
Vì vậy, các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào tổ chức, đây là điểm khác biệt lớn để phân biệt giữa pháp nhân và thể nhân (cá nhân).
Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập: Tổ chức phải có tư cách pháp nhân để tham gia các quan hệ pháp luật và có thể làm điều này thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện có thể là một cá nhân được ủy quyền để thực hiện các giao dịch dân sự cho tổ chức. Tổ chức có thể tham gia các quan hệ pháp luật với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa án, trọng tài và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Loại hình doanh nghiệp nào có tư cách pháp nhân?
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân. Trong đó có 4 loại hình có tư cách pháp nhân bao gồm:
Công ty TNHH 1 thành viên
Là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định khác.
Công ty cổ phần
Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định khác
Công ty hợp danh
Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Các quy định về tổ chức có tư cách pháp nhân
Căn cứ theo Điểm đ, khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Ví dụ Doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Bộ Luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân tại chương IV nhằm làm rõ những vấn đề của pháp nhân bao gồm: Điều kiện, tên gọi, trụ sở, quốc tịch, cơ cấu tổ chức. Cụ thể như sau:
Tên gọi của pháp nhân phải đảm bảo những điều sau:
Phải có tên gọi bằng tiếng Việt
Phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
Phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự
Được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Trụ sở của pháp nhân
Là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Trường hợp thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải công bố công khai. Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân hoặc có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc.
Thành lập, đăng ký pháp nhân
Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.
Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.
Đại diện của pháp nhân
Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền.
Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân
Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân
Pháp nhân có thể đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở nơi khác với nơi đặt trụ sở của pháp nhân.
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền.
Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.
Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện.
Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Hợp nhất pháp nhân
Các pháp nhân cùng loại có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.
Sáp nhập pháp nhân
Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác cùng loại (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập) theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.
Chia, tách pháp nhân
Một pháp nhân có thể chia, tách thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.
Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động của các pháp nhân đó.
Giải thể pháp nhân
Pháp nhân có thể bị giải thể trong các trường hợp: Theo quy định của điều lệ; Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài sản
Chấm dứt pháp nhân
Pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp: Hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể pháp nhân theo quy định; Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi pháp nhân chấm dứt, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những thông tin chia sẻ mà Luật Việt An gửi đến quý khách về thành lập tổ chức có tư cách pháp nhân. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.