Thiết kế bố trí là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Mọi cá nhân, tổ chức khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí sẽ được nhà nước và pháp luật bảo hộ. Vậy thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí được quy định trong pháp luật hiện hành như thế nào. Luật Việt An sẽ trình bày trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Thiết kế bố trí là gì?
Căn cứ Khoản 15 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2022 quy định khái niệm thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.
Điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí
Điều kiện chung đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được pháp luật quy định bảo hộ như sau:
Thứ nhất, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn phải có tính nguyên gốc
Tính nguyên gốc được đảm bảo nếu đáp ứng hai tiêu chí.
Thiết kế đó là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả.
Thiết kế phải chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đó.
Thứ hai, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn phải có tính mới thương mại:
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được coi là có tính mới thương mại nếu nó chưa từng được đưa vào khai thác trong thực tế với mục đích thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Thiết kế bố trí không bị coi là mất tính mới thương mại nếu đơn đăng ký thiết kế bố trí được nộp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thiết kế bố trí đó được người có quyền đăng ký.
Đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Hồ sơ đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn bao gồm:
02 Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, đánh máy theo mẫu số: 02-TKBT Phụ lục A Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
04 bộ bản vẽ, ảnh chụp thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
Thông tin về chức năng, cấu tạo của mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
Mẫu mạch tích hợp bán dẫn sản xuất theo thiết kế bố trí, nếu thiết kế bố trí đã được khai thác thương mại.
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Các bước tiến hành thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Bước 1: Tiếp nhận đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Khách hàng có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Đây là thủ tục nhằm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có hợp lệ hay không.
Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đồng thời nêu rõ đối tượng nêu trong đơn có khả năng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ gửi cho người nộp đơn quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Thời hạn công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
Bước 4: Thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, nếu không có ý kiến của người thứ ba phản đối việc đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn hoặc có ý kiến phản đối nhưng kết quả xử lý chứng minh rằng ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn mạch tích hợp bán dẫn đối với đối tượng nêu trong đơn và ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn nộp phí công bố, phí đăng bạ và lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Thời hạn thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: 03 tháng kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp;
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí: 03 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí
Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó quy định văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong các ngày sau đây:
Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn.
Ví dụ: Chủ sở hữu thiết kế bố trí ABC sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí, nộp đơn lên tới Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn ABC vào ngày 01/01/. Như vây, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí sẽ chấm dứt sớm nhất vào ngày 01/01/2033 thì hết hiệu lực của văn bằng bảo hộ, tức là thời hạn bảo hộ đối với thiết kế bố trí ABC đã hết.
Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới
Ví dụ: Chủ sở hữu thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn XYZ cho phép Công ty TNHH LMN khai thác thương mại đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn XYZ qua hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Công ty TNHH LMN khai thác thiết kế bố trí đó ngày đầu tiên vào 01/06/2023. Như vậy, tính đến hết ngày 01/06/2033 thì Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí XYZ không còn hiệu lực bảo hộ.
Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
Ví dụ: Chủ sở hữu thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn AOY tạo ra một bản thiết kế bố trí hoàn chỉnh vào ngày 15/01/2023 thì tính đến ngày 15/01/2038 thì thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn AOY hết hiệu lực bảo hộ.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bảo hộ thiết kế không gian của mạch bán dẫn, nhưng phạm vi bảo hộ về cơ bản chỉ giới hạn trong bản thân thiết kế đó và do đó không hạn chế kỹ thuật phân tích ngược thiết kế này. Thời hạn bảo hộ thường là 10 năm.
Một số câu hỏi liên quan đến thiết kế bố trí
Thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí có thể gia hạn không?
Bằng bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn cũng bị hạn chế về thời gian bảo hộ tương tự như các giải pháp kỹ thuật hữu ích và không thể gia hạn. Thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được quy định gắn với các sự kiện cụ thể: ngày nộp đơn, ngày tạo ra thiết kế bố trí, ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Có phải nộp lệ phí duy trì thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí không?
Bằng bảo hộ thiết kế bố trí không phải nộp lệ phí duy trì thời hạn bảo hộ thiết kế bố trí.
Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
Chủ Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
Trong trường hợp chủ Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí không nộp phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu kỳ hiệu lực tiếp theo mà phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực không được nộp.
Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận việc chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Chủ Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp.
Mọi khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được tư vấn!