Thông tư 10/2024/TT-BXD quản lý chất lượng vật liệu xây dựng
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2024/TT-BXD quy định về quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, có hiệu lực từ ngày 16/12/2024. Thông tư này được ban hành mới hoàn toàn nhằm hướng dẫn các quy định tại Nghị định 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng, sửa đổi một phần Thông tư 04/2023/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư 10/2024/TT-BXD quản lý chất lượng vật liệu xây dựng.
Ghi nhãn hàng hóa vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng là sản phẩm, hàng hóa được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ. Theo Điều 4 của Thông tư 10/2024/TT-BXD, việc ghi nhãn hàng hóa vật liệu xây dựng thực hiện theo quy định tại:
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP;
Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử.
Việc quy định ghi nhãn hàng hóa vật liệu xây dựng nhằm thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về vật liệu xây dựng lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Việc ghi nhãn hàng hóa vật liệu xây dựng phải đáp ứng các quy định về vị trí nhãn hàng hóa, kích thước, màu sắc, ngôn ngữ, ghi nhãn phụ, nội dung và cách ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Lưu ý:
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP không áp dụng đối với vật liệu xây dựng không có bao bì và được bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Trường hợp nội dung ghi nhãn hàng hoá vật liệu xây dựng được quy định riêng tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật, ngoài việc tuân thủ quy định trên, các hàng hóa vật liệu xây dựng phải được thực hiện việc ghi nhãn đầy đủ theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng.
Công bố hợp chuẩn vật liệu xây dựng
Đối tượng công bố hợp chuẩn
Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (Khoản 8 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2018).
Theo Điều 11 Thông tư 10/2024/TT-BXD quy định sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng thuộc đối tượng công bố hợp chuẩn. Như vậy, việc công bố hợp chuẩn được áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Theo đó, tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận sự phù hợp thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của mình.
Một số tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng
Có thể kể đến một số tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng như:
TCVN 141:2023, Xi măng poóc lăng – Phương pháp phân tích hóa học
TCVN 1450:2009, Gạch rỗng đất sét nung
TCVN 1451:1998, Gạch đặc đất sét nung
TCVN 1452:2023, Ngói đất sét nung và phụ kiện – Yêu cầu kỹ thuật
TCVN 1453:2023, Ngói bê tông và phụ kiện
TCVN 2090:2015, Sơn, vecni và nguyên liệu cho sơn, vecni – Lấy mẫu
Lưu ý về thủ tục công bố hợp chuẩn
Trình tự thủ tục công bố hợp chuẩn được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN và Điều 11 Thông tư 10/2024/TT-BXD. Cụ thể:
Bước 1: Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp chuẩn với tiêu chuẩn tương ứng (sau đây viết tắt là đánh giá hợp chuẩn). Việc đánh giá hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (bên thứ nhất) thực hiện. Kết quả đánh giá hợp chuẩn là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
Bước 2: Đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn tại Cơ quan kiểm tra. Theo đó, cơ quan kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng là cơ quan được phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng. Cơ quan kiểm tra tại địa phương là Sở Xây dựng.
Công bố hợp quy vật liệu xây dựng
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đối tượng công bố hợp quy
Theo Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BXD, đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành và phụ lục II Thông tư 10/2024/TT-BXD.
Ngoài ra, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy tại Cơ quan kiểm tra nơi đăng ký kinh doanh dựa trên Kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức được thừa nhận, được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Lưu ý về quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xây dựng
Quy cách và số lượng mẫu điển hình, mẫu đại diện cho mỗi lô sản phẩm, hàng hóa tuân theo quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng. Theo đó, hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BXD. Cụ thể là Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD.
Các biện pháp công bố hợp quy
Việc công bố hợp quy dựa trên một trong các biện pháp sau:
Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.
Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được Bộ Xây dựng chỉ định.
Phương pháp đánh giá hợp quy
Phương pháp đánh giá hợp quy được quy định cụ thể tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN. Tuy nhiên, theo Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BXD, việc đánh giá hợp quy các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 chỉ được thực hiện theo một trong ba phương thức: Phương thức 1, Phương thức 5, Phương thức 7 tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN. Cụ thể:
Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình;
Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
Lưu ý: Đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu không đúng quy cách quy định, người nhập khẩu có trách nhiệm phối hợp với tổ chức chứng nhận làm việc với đơn vị sản xuất và xuất khẩu tại nước ngoài để gửi mẫu đảm bảo tính đại diện cho lô hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho công tác chứng nhận chất lượng theo quy định. Số lượng mẫu phải đủ cho công tác thử nghiệm và lưu mẫu theo quy định.
Quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng
Quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng trong sản xuất
Việc quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng trong sản xuất thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, được sửa đổi bổ sung năm 2018 và Mục 1 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và khoản 2 Điều 10 Chương III Nghị định số 09/2021/NĐ-CP, bao gồm:
Điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường
Kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất
Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất
Cần lưu ý: Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng sản xuất trong nước đưa ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn đã công bố. Những sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng xuất khẩu
Việc quản lý chất lượng hàng hoá vật liệu xây dựng xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 3 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và các quy định của nước nhập khẩu, bao gồm:
Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu:
Người xuất khẩu hàng hóa phải bảo đảm hàng hóa xuất khẩu phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ có liên quan.
Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình sản xuất hoặc tự xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
Biện pháp xử lý hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm điều kiện xuất khẩu: Hàng hóa không bảo đảm điều kiện xuất khẩu mà không xuất khẩu được hoặc bị trả lại thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa áp dụng một hoặc các biện pháp xử lý sau đây:
Thực hiện biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo nội dung, trình tự thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia;
Cho lưu thông trên thị trường nếu chất lượng hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của Việt Nam;
Yêu cầu người sản xuất khắc phục, sửa chữa để hàng hóa được tiếp tục xuất khẩu hoặc được lưu thông trên thị trường Việt Nam sau khi đã đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tiêu hủy.
Quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu
Việc quản lý chất lượng hàng hoá vật liệu xây dựng nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương III Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Mục 2 Chương II Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 09/2021/NĐ-CP.
Đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2, người nhập khẩu phải thực hiện:
Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu tại Sở Xây dựng một trong các địa phương (Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, sau đây gọi tắt là Cơ quan kiểm tra):
Nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (hoặc nơi đặt văn phòng đại diện, chi nhánh, nhà máy sản xuất);
Nơi có cửa khẩu được doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa;
Nơi doanh nghiệp làm thủ tục hải quan đối với lô hàng hóa.
Theo đó, đối với hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2, Cơ quan kiểm tra áp dụng biện pháp kiểm tra trước khi thông quan hoặc sau khi thông quan theo Phụ lục II Thông tư 10/2024/TT-BXD:
Đối với hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan, căn cứ để kiểm tra nhà nước dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định.
Đối với hàng hóa kiểm tra sau khi thông quan, căn cứ để kiểm tra nhà nước dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định pháp luật.
Trên đây là một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư 10/2024/TT-BXD quản lý chất lượng vật liệu xây dựngcó hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!