Thủ tục cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động môi trường là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét mức độ ảnh hưởng của dự án đến môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện thủ tục này do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm rõ quy định pháp luật. Sau đây, Luật Việt An xin cung cấp các thông tin liên quan đến thủ tục cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường.
Tại sao chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường?
Chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường bởi vì quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây:
Cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản;
Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí;
Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng;
Cấp giấy phép môi trường;
Cấp giấy phép nhận chìm ở biển; quyết định giao khu vực biển;
Quyết định đầu tư.
Đối tượng nào phải thực hiện đánh giá tác động môi trường?
Căn cứ Điều 30 Luật bảo vệ môi trường 2020, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
Dự án đầu tư nhóm I gồm các dự án sau:
Dự án thuộc hoặc không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn hoặc có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
Dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển hoặc có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
Dự án đầu tư nhóm II gồm các dự án sau:
Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển hoặc dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.
Tổ chức, cá nhân nào phải thực hiện đánh giá tác động môi trường?
Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư có dự án đầu tư nhóm I hoặc dự án đầu tư nhóm II tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường
Căn cứ Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm:
Bộ Nông nghiệp và Môi trường;
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Hình thức thực hiện
Gửi trực tiếp;
Gửi qua đường bưu điện;
Gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư.
Thủ tục cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường
Bước 1: Chủ dự án đầu tư thực hiện tham vấn đánh giá tác động môi trường
Đối tượng được tham vấn bao gồm:
Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư;
Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư.
Nội dung tham vấn khi thực hiện đánh giá tác động môi trường theo mẫu tại Phụ lục VIa ban hành kèm theo Nghị định 05/2025/NĐ-CP;
Chủ đầu tư thực hiện tham vấn thông qua các hình thức sau:
Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử;
Tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến;
Tham vấn bằng văn bản.
Kết quả tham vấn:
Đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án đầu tư;
Chủ dự án ghi đầy đủ, trung thực ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và phản hồi, cam kết của chủ đầu tư trong biên bản họp tham vấn cộng đồng đối với tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến;
Các đối tượng được tham vấn bằng văn bản gửi phản hồi bằng văn bản cho chủ đầu tư.
Bước 2: Chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường
Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT:
Bước 3: Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị báo cáo đánh giá tác động môi trường đến cơ quan thẩm định
Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:
Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT;
Báo cáo đánh giá tác động môi trường;
Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.
Bước 4: Cơ quan thẩm định thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Cơ quan thẩm định ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định gồm ít nhất là 07 thành viên;
Thành viên hội đồng thẩm định nghiên cứu hồ sơ đề nghị thẩm định, viết bản nhận xét về nội dung thẩm định;
Cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu cần thiết);
Cơ quan thẩm định xem xét, đánh giá và tổng hợp ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bước 5: Cơ quan thẩm định thông báo yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có)
Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư để thực hiện;
Chủ dự án đầu tư chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu.
Bước 6: Cơ quan thẩm định phê duyệt và gửi kết quả
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định ban hành quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan thẩm định gửi thông báo bằng văn bản về việc không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ dự án đầu tư và nêu rõ lý do.
Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là bao lâu?
Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được tính từ ngày cơ quan thẩm định nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ:
Không quá 45 ngày đối với dự án đầu tư nhóm I;
Không quá 30 ngày đối với dự án đầu tư nhóm II.
Phí, lệ phí thực hiện
Mức phí, lệ phí đối với các dự án đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 38/2023/TT-BTC;
Mức phí, lệ phí đối với các dự án đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Hội đồng nhân dân của từng địa phương ban hành.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn thủ tục cấp giấy phép đánh giá tác động môi trường xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!