Thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh
Hiện nay, phương thức di chuyển bằng đường hàng không ngày càng phát triển và trở thành một trong những phương thức di chuyển được ưa chuộng nhất vì tính chất nhanh chóng, tiện lợi. Tuy nhiên trước khi lên máy bay, các hành khách đều phải thông qua các bước thủ tục hải quan đối với hành lý khi xuất cảnh, nhập cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp bắt buộc thực hiện. Vậy thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất, nhập cảnh là gì và được thực hiện như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng những tư vấn pháp lý khái quát về thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh.
Khái quát thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh
Đối tượng thủ tục
Hành lý được kiểm tra hải quan là hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp. Cụ thể là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của người xuất cảnh, bao gồm hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. Đối với thủ tục hải quan với hành lý của người xuất cảnh, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi là đối tượng của thủ tục.
Cơ quan tiến hành
Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay và An ninh hàng không nơi xuất cảnh.
Địa điểm thực hiện thủ tục
Hành lý của người xuất cảnh được làm thủ tục hải quan tại khu vực đặc biệt tại sân bay. Cụ thể, việc kiểm tra hành lý của người xuất cảnh được thực hiện tại khu vực hoặc phòng kiểm tra của Chi cục Hải quan, nơi có đặt camera giám sát theo quy định của Tổng cục Hải quan.
Kết quả thủ tục
Trường hợp kết quả kiểm tra không phát hiện vi phạm: Thông quan hành lý;
Trường hợp kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm: Xử lý theo quy định.
Trường hợp ngoại lệ
Hành lý của người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao và hành lý của các đối tượng đặc biệt khác (được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định) được miễn kiểm tra hải quan.
Thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh
Bước 1: Kiểm tra hành lý
Hành lý của người xuất cảnh được kiểm tra qua hệ thống máy soi hàng hóa và các trang thiết bị khác nếu thuộc các trường hợp kiểm tra theo quy định để đảm bảo an toàn, an ninh sân bay. Việc kiểm tra hành lý sẽ được thực hiện theo các hình thức kiểm tra và mức độ soi chiếu khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Hình thức kiểm tra hành lý của người xuất cảnh:
Không kiểm tra (gọi là K0);
Kiểm tra qua máy soi (gọi là K1);
Kiểm tra thực tế hành lý (gọi là K2);
Khám người trong trường hợp có căn cứ xác định người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (gọi là K3);
Mức độ soi chiếu:
Mức độ 1: Soi chiếu để phát hiện hành lý nghi vấn;
Mức độ 2: Soi chiếu xác định rõ nghi vấn.
Trên cơ sở phân tích thông tin và quá trình giám sát người xuất cảnh, cơ quan hải quan quyết định lựa chọn hành lý có rủi ro để kiểm tra thực tế. Cụ thể việc kiểm tra được thực hiện theo tiến trình:
Kiểm tra hành lý ký gửi theo hình thức K1, mức độ 1.
Kết quả kiểm tra không nghi vấn: Cơ quan hải quan tiến hành thông quan hành lý của người xuất cảnh;
Kết quả có nghi vấn: Công chức soi máy thông báo nội dung cần kiểm tra cho công chức kiểm tra, giám sát bằng công cụ hỗ trợ (bộ đàm) để yêu cầu người xuất cảnh vào khu vực kiểm tra hành lý, kiểm tra và xử lý (nếu có vi phạm);
Kiểm tra hành lý xách tay qua máy soi theo hình thức K0 hoặc K1.
Trường hợp không phát hiện nghi vấn, thông quan hành lý xách tay;
Trường hợp phát hiện nghi vấn yêu cầu người xuất cảnh đưa hành lý vào phòng để kiểm tra để thực hiện theo hình thức K2 hoặc K3 và thực hiện các bước tiếp theo của quá trình kiểm tra;
Với đối tượng trọng điểm, có biểu hiện nghi ngờ, ngẫu nhiên hoặc có yêu cầu phối hợp của các đơn vị, công chức giám sát thông báo cho công chức soi máy để đưa hành lý và yêu cầu người xuất cảnh vào khu vực kiểm tra.
Hành lý quá khổ được đưa vào khu vực kỹ thuật, được công chức giám sát áp tải, bàn giao cho công chức soi máy để áp dụng hình thức K1 hoặc K2.
Trường hợp kết quả kiểm tra không nghi vấn: Tiến hành thông quan hành lý;
Trường hợp kết quả có nghi vấn: Cá nhân có thẩm quyền soi máy yêu cầu người xuất cảnh vào khu vực kiểm tra hành lý quá khổ để kiểm tra hành lý.
Bước 2: Tiếp nhận Tờ khai hải quan và kiểm tra qua hình thức kiểm tra thực tế hành lý
Trường hợp hành lý thuộc diện phải khai báo hải quan (hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi) thì người xuất, nhập cảnh phải tiến hành thủ tục khai báo hải quan. Nếu người xuất, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan sẽ bị coi là hàng hóa xuất, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Người xuất cảnh được miễn thuế xuất khẩu không hạn chế định mức khi thỏa mãn các điều kiện:
Xuất cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp;
Có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi;
Hành lý mang theo không thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Người xuất cảnh thuộc các trường hợp phải thực hiện thủ tục khai hải quan tiến hành khai Tờ khai hải quan theo Mẫu HQ/2015/XK tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC.
Sau người xuất cảnh thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục khai hải quan xuất trình Tờ khai hải quan và xác nhận hành lý thuộc sở hữu của mình, cá nhân có thẩm quyền tiến hành tiếp nhận Tờ khai hải quan và kiểm tra hành lý.
Trường hợp kết quả kiểm tra không phát hiện vi phạm: Cơ quan hải quan xác nhận nội dung trên Tờ khai Hải quan, trả người xuất cảnh trang 1, trang 2 của Tờ khai hải quan và thông quan hành lý;
Trường hợp kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm: Cơ quan hải quan xử lý theo quy định và bổ sung hành vi không khai báo hải quan trong nội dung hành vi vi phạm (trong trường hợp không khai báo trên Tờ khai hải quan);
Bước 3: Lưu trữ hồ sơ
Người khai hải quan có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản bản chính các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (đặc biệt là tờ khai hải quan). Hồ sơ hải quan là hồ sơ được chuẩn bị và xét nộp theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC . Bản chính các chứng từ có thể được thể hiện dưới dạng chứng từ điện tử hoặc chứng từ giấy. Trường hợp bản chính dưới dạng chứng từ giấy đã nộp cho cơ quan hải quan, người khai hải quan phải lưu bản chụp. Đối với chứng từ dưới dạng điện tử, người khai hải quan phải lưu bản điện tử.
Trên đây là phân tích về thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!