Tình hình đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nửa đầu năm 2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt gần 13,43 tỷ USD. Ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 1,3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm 2023.
Nguồn: Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thống kê tình hình đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nửa đầu năm 2023 theo ngành
So với cùng kỳ năm 2022, các ngành có sự tăng trường trong tổng vốn đăng ký là
Nghệ thuật, vui chơi và giải trí.
Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy.
Vận tải kho bãi.
Hoạt động dịch vụ khác.
Xét về tổng số vốn đầu tư, thống kê thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm 2023 theo ngành, ngành có lượng vốn đầu tư tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái là nghệ thuật, vui chơi và giải trí, với mức tăng gấp hơn 30 lần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư trong lĩnh vực này là nhờ sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch COVID và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Tiếp đó là ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với tổng vốn đầu tư tăng hơn 2 lần so với 3 tháng đầu năm 2022. Đây cũng là ngành có số lượt góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất, với 209 lượt trong 3 tháng đầu năm, cao gần gấp 3 lần so với ngành đứng thứ hai là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (102 lượt góp vốn, mua cổ phần). Sau 6 tháng, số giao dịch góp vốn, mua cổ phần của ngành này chiếm 42,8%, tức là gần một nửa trong tổng số giao dịch. Bên cạnh đó, ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy cũng là ngành có số dự án được cấp mới nhiều thứ hai, với 137 dự án chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023. Có thể thấy, đây là ngành thu hút số lượng lớn nhà đầu tư thành lập dự án và đầu tư dưới dạng góp vốn, tuy nhiên lượng vốn đầu tư thu hút chưa thực sự tạo ra bước tiến lớn so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số dự án cấp mới nhiều nhất (150 dự án) trong 3 tháng đầu năm và chiếm 29,3% số dự án mới 6 tháng đầu năm 2023, với tổng số vốn đăng ký cấp mới cao nhất (hơn 2.300 triệu USD). Đây cũng là ngành của số lượt góp vốn, mua cổ phần có thứ hạng cao, chỉ xếp sau hai ngành buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, với giá trị góp vốn cao nhất (hơn 550 triệu USD). Xét về tổng vốn đăng ký đầu tư, đây là ngành có tổng vốn cao nhất trong các ngành với hơn 3.9 tỷ USD. Tuy vậy, mức vốn đăng ký này vẫn giảm 25% so với mức vốn cùng kỳ năm 2022 đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thống kê tình hình đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nửa đầu năm 2023 theo đối tác
Trong hai quý đầu năm 2023, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Theo đối tác, Việt Nam đang dần thu hút các nhà đầu tư mới đến từ các quốc gia như Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nhờ sức ảnh hưởng của hiệp định EVFTA và EVIPA, cũng các quốc gia khối trung đông như UAE, Phần Lan.
Xét về tổng vốn đầu tư, Singpore dẫn đầu với hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm hơn 22% tổng vốn đầu tư của 90 quốc gia vào Việt Nam. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2022, mức vốn này chứng kiến sự giảm đáng kể 27,5%. Ngược lại, quốc gia có tổng vốn đầu tư đứng thứ hai là Nhật Bản lại ghi nhận mức tăng hơn 2 lần số với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Một trong những lý do nổi bật tạo nên chất lượng của các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đó là tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng với giá trị lớn. Bên cạnh đó, giao dịch với giá trị lớn như Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD đã tạo nên sức bật của tổng vốn đâu tư FDI vào Việt Nam của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023.
Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới chiếm 18% tổng số dự án vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,9%). Đây vẫn là hai đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng của Việt Nam trong những năm gần đây do những lợi thế về địa lý, thị trường và văn hóa giữa các quốc gia. Tuy nhiên xét về tổng vốn đầu tư thì các thị trường này vẫn đứng sau Singapore và Nhật Bản, chứng tỏ chất lượng đầu tư từ các thị trường này vẫn chưa có sự đột phá lớn.
Có thể thấy các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan – Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với khoảng 76,1% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023.
Thống kê tình hình đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nửa đầu năm 2023 theo tỉnh thành
Xét về số dự án, thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới chiếm 38,9% tổng số dự án cả nước, số lượt dự án điều chỉnh chiếm 24,9% cả nước và số lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần chiếm 65,4% cả nước.
Thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023. GRDP của thành phố đã đạt tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước (5,95% trong quý I và 5,98% trong quý II). Mặc dù mức tăng trưởng GRDP này thấp hơn so với 7,10% cùng kỳ năm trước, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu tác động, mức tăng trưởng này vẫn được coi là đáng kể và đáng ghi nhận. Hà Nội thu hút hoảng 2,265 triệu USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, với số lượng khách đến thủ đô tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, những kết quả này cho thấy sự nỗ lực và khả năng thích ứng của thành phố Hà Nội trong bối cảnh khó khăn, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong nửa đầu năm 2023.
Cái nhìn tổng quan
Những tín hiệu khả quan của nguồn vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo tâm thế tích cực cho các nhà đầu tư tiềm năng có dự định đầu tư vào Việt Nam. Thị trường Việt Nam được đánh giá là dang phát triển mạnh hàng đầu Đông Nam Á, với nhiều dự án đầu tư sản xuất, công nghệ cao, lắp ráp chế biến chế tạo từ khắp nơi trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng quan nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đang ở chỉ chạm mức 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đăng ký 6 tháng đầu năm nay có ghi nhận giảm nhưng mức giảm này đã được thu hẹp so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2022 giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021), cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút FDI.
Tuy vậy, vẫn cần nhìn nhận những điểm cần khắc phục của thị trường FDI Việt Nam hiện nay cần tháo gỡ để tạo cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa. Chẳng hạn như về thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án vẫn đang bị kéo dài gây trở ngại cho các nhà đầu tư. Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quỹ đất hạn chế, giá thuê đất ở các thành phố lớn như Hà Nội cao gấp 1,5 – 2 lần so với các địa phương lân cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư trực tuyến còn chưa phát huy hết hiệu quả, một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và luật chuyên ngành đang là những nguyên nhân giảm sức hút của thị trường FDI hiện nay. Do vậy, việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện và khắc phục những điểm vướng mắc này sẽ là bệ đỡ quan trọng trong xúc tiến thương mại đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký đầu tư, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.