Tôi đang có yêu cầu làm đại lý cho Cty Hàn Quốc ở VN
Với vai trò quản lý đơn hàng sản xuất và tìm nhà máy sản xuất theo đơn đặt hàng May mặc của họ tại VN . Kinh phí hoạt động sẽ được bên Cty Mẹ thanh toán bằng cách nào ? Sau này Đại lý chúng tôi có tự chuyển đổi hình thức kinh doanh lên làm vendor với chức năng mua bán độc lập được không ?
Theo những thông tin bạn trao đổi, Luật Việt An xin tư vấn sơ bộ cho bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật thương mại 2005
Theo quy định của Luật thương mại 2005, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý cùng thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng.
Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung cấp ứng dụng.
Còn bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân ủy quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
Đại lý thương mại được thực hiện qua hình thức là hợp đồng đại lý. Theo đó, để thiết lập được hợp đồng đại lý giữa bạn với công ty Hàn Quốc thì bạn phải thành lập doanh nghiệp hoặc cá nhân hoạt động độc lập và có đăng kí kinh doanh. Sau đó, dưới danh nghĩa công ty thiết lập hợp đồng đại lý với công ty Hàn Quốc.
Trong hợp đồng đại lý, hai bên sẽ được thỏa thuận những vấn đề về quyền và nghĩa vụ của mình. Bên đại lý có quyền nhận thù lao đại lý, cụ thể:
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.
Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:
Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;
Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;
Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Việc thanh toán tiền hàng, tiền cung ứng dịch vụ và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng một khối lượng dịch vụ nhất định trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Về vấn đề bạn thắc mắc là sau này có tiếp tục hoạt động kinh doanh độc lập hay không? Ngay cả trong thời gian thực hiện hợp đồng đại lý, công ty bạn vẫn hoạt động kinh doanh độc lập, không bị phụ thuộc vào công ty Hàn Quốc, vẫn có thể tự do mua bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Chúng tôi xin trả lời là bạn vẫn hoạt động bình thường bởi công ty bạn chỉ thiết lập hợp đồng đại lý với công ty bên Hàn Quốc thôi. Hai bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng đại lý thời gian chấm dứt hợp đồng, và sau đó công ty bạn vẫn hoạt động mua bán kinh doanh bình thường.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An, nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn cụ thể.