Công ty tôi là công ty có trụ sở tại Việt Nam hiện đang đàm phán để ký kết hợp đồng bán hàng cho khách hàng A (đăng ký kinh do tại Việt Nam). Tuy nhiên, trong hợp đồng này có phần hàng hóa xuất khẩu sang Myanmar nên chúng tôi có nhu cầu tư vấn về pháp luật thuế hàng xuất khẩu, cụ thể như sau :
Khách hàng sử dụng cuối cùng là công ty B (đăng ký kinh do tại Myanmar). Công ty A ký kết hợp đồng với công ty B tại Myanmar. Công ty chúng tôi sẽ ký kết 2 hợp đồng với công ty A.
Hợp đồng thứ nhất : toàn bộ thiết bị sẽ được nhà cung cấp của chúng tôi sản xuất tại Châu Âu và sau đó sẽ giao hàng theo điều khoản CIF tại Myanmar tới công ty B. Vậy hợp đồng ký kết giữa công ty chúng tôi và công ty A có được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% hay không?
Hợp đồng thứ hai : một số thiết bị sẽ được nhà cung cấp của chúng tôi sản xuất ở Châu Âu và sau đó sẽ giao hàng cho công ty chúng tôi theo điều khoản CIP tại Hồ Chí Minh. Sau đó chúng tôi lắp ráp các bộ phận này thành một hệ thống tại xưởng của chúng tôi và xuất khẩu đi Myanmar tới công ty B theo điều khoản CIF Myanmar. Vậy hợp đồng ký kết giữa công ty chúng tôi và công ty A có được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% hay không? Đối với phần thiết bị nhà cung cấp của chúng tôi giao CIP tại Hồ Chí Minh, khi chúng tôi làm thủ tục thông quan sẽ đóng thuế VAT vậy chúng tôi có được khấu trừ lại phần thuế VAT này.
Hiện chúng tôi có nhu cầu tư vấn như sau:
1/ Hợp đồng thứ nhất công ty tôi ký với công ty A thuế suất bao nhiêu?
2/ Hợp đồng thứ hai công ty tôi ký với công ty A thuế suất bao nhiêu?
3/ Nếu trong HD thứ haicông ty chúng tôi ký với công ty A có điều khoản công ty chúng tôi sẽ làm tờ khai xuất khẩu sang Myanma tới công ty B thì có được không?, Người xuất khẩu, nhập khẩu trên tờ khai thể hiện như thế nào (vì công ty B là khách hàng của công ty A) thuế suất bao nhiêu?
4/ HS Code là: 9026 Các thiết bị đo lường.
Luật Việt An xin tư vấn sơ bộ cho Quý khách như sau:
Căn cứ pháp lý :
Thông tư số: 219/2013/TT-BTC
Thông tư số: 26/2015/TT-BTC
Thứ nhất, về hợp đồng thứ nhất
Đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0% :
Căn cứ Điều 9 Thông tư số: 219/2013/TT-BTC, Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
– Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;”
Về điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
– Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh do (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như:
+ Hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài;
+ Hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng;
+ Chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…;
+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh do thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh do .
Vậy hợp đồng ký kết giữa công ty chị và công ty A được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Thứ hai, về hợp đồng thứ hai
Tuy thực chất đây là hàng hóa xuất khẩu nhưng việc ký kết giữa công ty chị và công ty A được thực hiện tại Việt Nam, việc giao hàng cũng thực hiện tại cảng của Việt Nam nên hợp đồng này chỉ là một hợp đồng mua bán hàng hóa bình thường.
Tức là sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%.
Đối tượng của hợp đồng mà chị đã ký kết với công ty A cũng không là hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%theo quy định tại Điều 10 Thông tư 219//2013/TT-BTC và các khoản 6,7,8 Thông tư số: 26/2015/TT-BTC.
Căn cứ tại Điều 11 quy định về thuế suất 10% :
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này. Theo đó, thuế suất 10% được áp dụng đối với các hàng hóa dịch vụ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, không thuộc đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 0%, không thuộc đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%. Vậy hợp đồng thứ hai này của chị ký với công ty A, đối tượng của hợp đồng sẽ chịu mức thuế suất là 10%.
Thứ ba, nếu trong HĐ thứ hai công ty chị ký với công ty A, có thể có điều khoản công ty chị sẽ làm tờ khai xuất khẩu sang Myanma tới công ty B. Trong trường hợp công ty chị được công ty A ủy quyền thực hiện thủ tục hải quan
Người xuất khẩu trên tờ khai thể hiện như sau :
Công ty A sẽ là người xuất khẩu, người được ủy quyền là công ty chị.
Thứ tư, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Theo Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 173/2016/TT-BTC quy định cụ thể Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau :
Có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài Chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh do hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 20.000.000 đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị, hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20.000.000 đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh do nhập khẩu hàng hóa là quả biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm : chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Nếu công ty chị đáp ứng đủ các điều kiện trên thì công ty chị có thể được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An, nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn cụ thể.