Tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đầu tư du lịch, giải trí
Lĩnh vực đầu tư du lịch và giải trí hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng lớn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để hoạt động trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư cần phải hiểu rõ các quy định pháp lý liên quan, từ việc lựa chọn hình thức đầu tư, xin giấy phép kinh doanh, đến tuân thủ các quy định về giấy phép con,… Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đầu tư du lịch, giải trí
Tư vấn lựa chọn các hình thức đầu tư vào lĩnh vực du lịch, giải trí
Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về hình thức đầu tư như sau:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
Thực hiện dự án đầu tư;
Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Như vậy, tùy thuộc nhu cầu, mục đích, phạm vi hoạt động mà nhà đầu tư có thể lựa chọn các hình thức đầu tư vào lĩnh vực du lịch, giải trí phù hợp. Trong đó hình thức đầu tư phổ biến và có tính lâu dài là thực hiện dự án đầu tư. Trong đó nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch và giải trí như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, công viên, khu thể thao, trung tâm hội nghị,…
Lưu ý khi lựa chọn:
Đánh giá tiềm năng và sự phát triển của khu vực: Lựa chọn các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch, sự phát triển hạ tầng và sự ổn định về chính trị, kinh tế.
Cần tiến hành thẩm định kỹ lưỡng các vấn đề tài chính, năng lực quản lý, thị phần và các yếu tố kinh doanh của nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư.
Tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đầu tư du lịch, giải trí về thành lập doanh nghiệp
Lưu ý điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Biểu cam kết WTO của Việt Nam, dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch thuộc CPC 7471, theo đó không có hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp:
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ dưới hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam mà không bị hạn chế phần vốn góp của phía nước ngoài.
Hướng dẫn viên du lịch trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải là công dân Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam (inbound) và lữ hành nội địa đối với khách vào du lịch Việt Nam như là một phần của dịch vụ đưa khách vào du lịch Việt Nam.
Đối với kinh doanh giải trí, theo Biểu cam kết WTO của Việt Nam, dịch vụ giải trí (bao gồm nhà hát, nhạc sống và xiếc) thuộc CPC 9619. Theo đó, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chưa cam kết, ngoại trừ sau 5 năm kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 49%.
Thủ tục chính cần thực hiện
Thủ tục đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Công ty kinh doanh du lịch do nhà đầu tư nước ngoài thành lập cần tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục này được quy định tại Luật Đầu tư 2020 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp:
Công ty dịch vụ giải trí có thể được thành lập dưới một trong các loại hình doanh nghiệp như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Để được thành lập, cần tiến hành thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như các công ty thông thường.
Thủ tục thành lập được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Cần lưu ý, kinh doanh du lịch phải được thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Tư vấn về giấy phép con trong lĩnh vực du lịch
Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành
Kinh doanh du lịch hay còn gọi là kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Tùy vào loại hình hoạt động mà doanh nghiệp sẽ tiến hành thủ tục xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Theo Điều 31 Luật Du lịch 2017, để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành cần đáp ứng những điều kiện:
Điều kiện thành lập doanh nghiệp
Điều kiện ký quỹ (theo Nghị định 94/2021/NĐ-CP)
Điều kiện về người phụ trách
Theo đó, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa/quốc tế cho doanh nghiệp.
Thẻ hướng dẫn viên du lịch
Tại khoản 11 Điều 3 Luật Du lịch 2017 quy định về hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch. Hướng dẫn viên du lịch bao gồm:
Hướng dẫn viên du lịch quốc tế;
Hướng dẫn viên du lịch nội địa;
Hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Để hành nghề của hướng dẫn viên du lịch, cần đáp ứng điều kiện theo Điều 59 Luật Du lịch 2017 và hướng dẫn tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, bao gồm:
Điều kiện quốc tịch
Điều kiện năng lực hành vi dân sự
Điều kiện bằng cấp chuyên môn
Điều kiện ngoại ngữ
Trình tự, thủ tục cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được quy định cụ thể tại Điều 60, Điều 61 Luật Du lịch 2017, theo đó:
Đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa được nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh.
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh định kỳ hằng năm công bố kế hoạch tổ chức kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm. Người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh.
Tư vấn giấy phép con trong lĩnh vực giải trí
Giấy phép xây dựng khu vui chơi giải trí
Căn cứ theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung 2020, trước khi khởi công xây dựng khu vui chơi giải trí, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, khu vui chơi giải trí không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
Do đó, sau khi hoàn thành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận kinh doanh, khách hàng kinh doanh khu vui chơi cần làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, tùy theo quy mô và mức đầu tư của dự án.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự
Theo Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 31/2021/NĐ-CP, một số lĩnh vực giải trí cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự như Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; Kinh doanh casino; Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;…
Theo đó, các lĩnh vực giải trí này cần đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự và phải tiến hành xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự được quy định cụ thể tại Chương IV Nghị định 96/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Giấy phép phòng cháy chữa cháy
Căn cứ theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, tại Phụ lục I có quy định về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, theo đó, một số trường hợp kinh doanh giải trí phải có giấy phép về phòng cháy chữa cháy như: Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung,…
Cơ sở thuộc diện phải có Giấy phép phòng cháy chữa cháy cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Cảnh sát PCCC sẽ cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho các đối tượng do cục thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy cho các đối tượng thuộc diện được ủy quyền.
Tư vấn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch, giải trí
Một số đối tượng đăng ký
Để bảo vệ những sáng tạo, ý tưởng và giá trị thương hiệu của mình trong lĩnh vực du lịch, giái trí, các doanh nghiệp cần phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ để ránh được các hành vi xâm phạm, nâng cao giá trị thương hiệu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Một số đối tượng đăng ký như:
Bảo hộ nhãn hiệu: logo, khẩu hiệu, biểu trưng, …
Bảo hộ quyền tác giả: Bài viết, tài liệu quảng cáo, video, phim ngắn, tài liệu hình ảnh;…
Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: thiết kế nội thất, thiết kế khu vui chơi, bao bì sản phẩm,…
Lưu ý khi đăng ký bảo hộ
Việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục Bản Quyền tác giả, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Cần tra cứu thông tin đăng ký nhãn hiệu, tra cứu kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả trước khi đăng ký
Nên liên hệ đến các dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ như Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đầu tư du lịch, giải trí của Luật Việt An
Tư vấn điều kiện, hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
Điều kiện, thủ tục cần lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài;
Tư vấn các loại giấy phép về du lịch như giấy phép kinh doanh lữ hành, thẻ hướng dẫn viên,…;
Tư vấn các loại giấy phép về giải trí như giấy phép phòng cháy chữa cháy; giấy đủ điều kiện an ninh trật tự;…
Dịch vụ tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả,…
Tư vấn pháp luật thuế, lao động và các vấn đề khác trong quá trình kinh doanh.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đầu tư du lịch, giải trí, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!