Ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với các vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và nhu cầu sử dụng năng lượng bền vững. Tuy nhiên lĩnh vực này cần phải đáp ứng các quy định pháp luật để đảm bảo hoạt động một cách hiệu quả, hợp pháp. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực năng lượng.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng có thể hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, năng lượng nguyên tử, sản xuất điện, cung cấp khí đốt, năng lượng tái tạo, khai thác và phân phối nhiên liệu,…
Tùy vào phạm vi và quy mô hoạt động, nhà đầu tư cần xác định loại hình doanh nghiệp phù hợp (doanh nghiệp TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh,…Để thành lập doanh nghiệp, cần lưu ý tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Một số mã ngành nghề trong lĩnh vực năng lượng như:
3511: Sản xuất điện
3512: Truyền tải và phân phối điện
3520: Sản xuất khí đốt, phân phối nhiên liệu khí bằng đường ống
3530: Sản xuất, phân phối hơi nước, nước nóng, điều hòa không khí và sản xuất nước đá
Lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Cần đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường theo Cam kết WTO và Luật Đầu tư của Việt Nam
Doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng do nhà đầu tư nước ngoài thành lập cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi tiến hành đăng ký doanh nghiệp.
Tư vấn yêu cầu môi trường trong lĩnh vực năng lượng
Giấy phép môi trường
Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải ra môi trường cần được xử lý/quản lý theo quy định thì phải có giấy phép môi trường thì mới đủ điều kiện chính thức đi vào hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Căn cứ theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, 02 nhóm đối tượng sau phải có giấy phép môi trường:
Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý/phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng trên.
Như vậy, trong một số trường hợp, khi hoạt động trong lĩnh vực môi trường cần phải có giấy phép môi trường.
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm các dự án theo Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây thường là những dự có quy mô, công suất lớn, có sự tác động mạnh mẽ đến môi trường.
Một số lĩnh vực năng lượng phải tiến hành ĐTM như các dự án đầu tư mới hoặc các dự án mở rộng, thay đổi quy mô, công suất, địa điểm của cơ sở sản xuất năng lượng (như nhà máy điện, trạm biến áp, khu khai thác than, dầu khí,…) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp trong ngành năng lượng cần phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng không khí, nước, đất và các yếu tố môi trường khác theo các quy định hiện hành.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp quản lý và xử lý chất thải trong ngành năng lượng.
Tư vấn pháp luật trong lĩnh vực năng lượng về thủ tục pháp lý
Nghĩa vụ thông báo, đăng ký điện mặt trời
Theo Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia có công suất từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống quốc gia thì phải đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển.
Tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 100 kW đến dưới 1.000 kW thực hiện:
Thông báo kèm hồ sơ thiết kế đến Sở Công Thương;
Thông báo đến cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại địa phương để quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật;
Thông báo đến đơn vị điện lực địa phương để quản lý, theo dõi, điều độ vận hành an toàn hệ thống điện.
Xin giấy phép trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
Theo Luật Năng lượng nguyên tử 2009, được sửa đổi bổ sung năm 2023, tổ chức, cá nhân phải xin cấp giấy phép khi hoạt động trong lĩnh vực sau:
Thực hiện dịch vụ lưu giữ chất thải phóng xạ: Cơ sở bức xạ phải lập báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động.
Địa điểm xây dựng cơ sở hạt nhân phải được phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép xây dựng hoặc đồng thời với việc xin cấp giấy phép xây dựng. Cơ sở hạt nhân phải lập báo cáo phân tích an toàn khi xin cấp giấy phép xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động, vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng.
Nhà máy điện hạt nhân phải có giấy phép vận hành thử trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng hạt nhân.
Tổ chức, cá nhân chỉ được vận chuyển vật liệu phóng xạ sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có giấy phép, trừ một số trường hợp
Xin Giấy phép hoạt động điện lực
Theo Điều 30 Luật Điện lực 2024, các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực bao gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.
Theo đó, tổ chức đủ điều kiện hoạt động theo quy định được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực được cấp không được vượt quá thời hạn hoạt động của dự án, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện.
Tư vấn pháp luật hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng
Chuẩn bị và đàm phán các hợp đồng Mua bán Điện (PPA), hợp đồng Mua sắm Kỹ thuật và Xây dựng (EPC), hợp đồng Vận hành và Bảo trì (O&M) cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà
Tư vấn điều kiện pháp lý và giấy phép khi giao kết hợp đồng, các điều kiện cần lưu ý
Tư vấn giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hợp đồng
Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực năng lượng
Trong lĩnh vực năng lượng, các quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu bao gồm:
Sáng chế: Là các phát minh hoặc giải pháp kỹ thuật mới trong lĩnh vực năng lượng như thiết bị, máy móc, công nghệ mới (ví dụ: công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xử lý chất thải năng lượng).
Giải pháp hữu ích: Là những cải tiến kỹ thuật có tính chất ứng dụng thực tế, dù không mang tính đột phá như sáng chế nhưng cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong quá trình sản xuất hoặc ứng dụng năng lượng.
Nhãn hiệu: Nhãn hiệu giúp bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm và dịch vụ trong ngành năng lượng, bao gồm các sản phẩm năng lượng tái tạo, thiết bị điện, sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc dịch vụ cung cấp năng lượng.
Bản quyền: Bản quyền liên quan đến các sản phẩm sáng tạo trong ngành năng lượng như các phần mềm quản lý năng lượng, thiết kế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu hoặc các tài liệu liên quan đến dự án năng lượng.
Để đảm bảo quyền lợi về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp trong ngành năng lượng cần thực hiện các bước đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, quyền tác giả,…
Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong ngành năng lượng không chỉ dừng lại ở việc đăng ký quyền mà còn bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động như giám sát và ngăn chặn vi phạm, áp dụng biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền;…
Dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực năng lượng
Tư vấn yêu cầu môi trường trong lĩnh vực năng lượng như giấy phép môi trường, ĐTM, tiêu chuẩn quy chuẩn môi trường;
Tư vấn thủ tục pháp lý trong lĩnh vực năng lượng như giấy phép điện mặt trời, giấy phép lĩnh vực điện lực, năng lượng nguyên tử,..
Tư vấn pháp luật hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng như đàm phán, soạn thảo hợp đồng, giải quyết tranh chấp,…
Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực năng lượng như đăng ký bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ,…
Tư vấn các lĩnh vực khác như quyền sử dụng đất, thuế, lao động và việc làm,…
Trên đây là tư vấn pháp luật trong lĩnh vực năng lượng. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!