Trong môi trường làm việc ngày càng phức tạp, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình là điều cần thiết đối với người lao động. Việc nắm bắt các quy định pháp luật liên quan đến việc làm, chế độ bồi thường, và các lợi ích kèm theo không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn tạo nền tảng cho một mối quan hệ lao động bền vững. Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ tư vấn pháp luật chi tiết, giải đáp các thắc mắc phổ biến và giúp bạn hiểu rõ hơn về các quyền lợi quan trọng trong công việc.
Tư vấn pháp luật việc làm, bồi thường, lợi ích
Quy định pháp luật về việc làm
Tại Điều 9 Bộ luật lao động 2019 quy định:
“Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm.
Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm”.
Do đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Theo Điều 20 Bộ luật lao động 2019 quy định các loại hợp đồng như sau:
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Hợp đồng mùa vụ hoặc công việc nhất định (không quá 12 tháng).
Thời gian làm việc bình thường: không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 109 Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động làm việc theo thời giờ làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
Giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Nghỉ ít nhất 1 ngày/tuần, nghỉ phép năm, nghỉ lễ theo quy định
Giờ chuyển ca: Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
Nghỉ hằng tuần: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Nghỉ lễ, tết: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
Tết Âm lịch: 05 ngày;
Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Nghỉ hằng năm:
12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc: Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Quy định về bồi thường trong lao động
Bồi thường do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH nếu người lao động bị tai nạn hoặc mắc bệnh nghề nghiệp:
Người sử dụng lao động phải trả chi phí y tế và bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương nếu suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Trường hợp suy giảm dưới 81%, mức bồi thường tính theo tỷ lệ tổn thương.
Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương
Bồi thường do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật
Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ theo quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động 2019 thì:
Bồi thường tiền lương tương ứng với số ngày không được làm việc.
Trả thêm 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Bồi thường do vi phạm nội quy lao động
Người lao động làm mất tài sản hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng trong quá trình làm việc phải bồi thường theo hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận cụ thể.
Lợi ích khi hiểu rõ và áp dụng đúng pháp luật lao động
Đối với người lao động
Được đảm bảo mức lương tối thiểu, điều kiện làm việc an toàn, quyền nghỉ phép.
Chủ động giải quyết tranh chấp, bảo vệ bản thân khi xảy ra tranh chấp.
Đối với người sử dụng lao động
Tuân thủ đúng quy định: Giảm rủi ro pháp lý, tránh bị xử phạt hành chính hoặc kiện tụng.
Tăng hiệu quả quản lý: Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tăng hiệu quả làm việc.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động
Căn cứ Điều 5 Bộ luật lao động 2019 quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động như sau:
Người lao động có các quyền sau đây:
Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
Đình công;
Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Dịch vụ tư vấn pháp luật việc làm, bồi thường, lợi ích tại Luật Việt An
Tư vấn cho người sử dụng lao động và người lao động
Cập nhật và giải thích các quy định pháp luật liên quan đến lao động.
Soạn thảo, xem xét và chỉnh sửa hợp đồng lao động theo yêu cầu.
Tư vấn và soạn thảo nội quy lao động, quy chế nội bộ.
Đại diện thực hiện các thủ tục liên quan tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giải quyết tranh chấp lao động:
Tư vấn về xử lý kỷ luật lao động, sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Tư vấn về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Tư vấn tranh chấp về bảo hiểm xã hội, an toàn lao động và vệ sinh lao động.
Xây dựng hồ sơ, tài liệu chứng cứ cho việc khởi kiện vụ án lao động.
Đại diện ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về pháp luật việc làm, bồi thường, lợi ích. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!