Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, hồ sơ, thủ tục đăng ký sáng chế mật có những nội dung khác so với đăng ký sáng chế thông thường. Sau đây Luật Việt An sẽ tư vấn về văn bản xác nhận đối tượng đăng ký sáng chế mật.
Đơn đăng ký sáng chế mật được nộp dưới hình thức nào?
Theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, đơn đăng ký sáng chế mật phải được nộp ở dạng giấy cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Như vậy, nếu như sáng chế thông thường, đơn đăng ký được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến thì sáng chế mật chỉ được nộp ở dạng giấy.
Đơn đăng ký sáng chế mật bao gồm những tài liệu nào?
Đơn đăng ký sáng chế mật bao gồm các tài liệu sau đây theo Khoản 2 Điều 48 Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
“Điều 48. Đơn đăng ký sáng chế mật
…a) Các tài liệu theo quy định tại Điều 100 của Luật Sở hữu trí tuệ được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước (trừ chứng từ nộp phí, lệ phí);
b) Văn bản xác nhận đối tượng đăng ký trong đơn là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.”
Như vậy, đơn đăng ký sáng chế mật bao gồm những tài liệu sau:
Tờ khai đăng ký sáng chế, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn;
Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế;
Chứng từ nộp phí, lệ phí;
Văn bản xác nhận đối tượng đăng ký trong đơn là bí mật nhà nước.
Lưu ý về văn bản xác nhận đối tượng đăng ký sáng chế mật
Xác định đối tượng sáng chế mật
Để xác định đối tượng đăng ký sáng chế mật, tức sáng chế là bí mật nhà nước, cần phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước theo Mục 2 Công văn 4114/BCA-ANCTNB của Bộ Công an. Độ mật của bí mật nhà nước được thể hiện bằng dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật hoặc hình thức khác phù hợp với hình thức chứa bí mật nhà nước.
Theo Khoản 2 Nghị định 26/2020/NĐ-CP, người tạo ra sáng chế mật phải đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước tại Tờ trình, Phiếu trình duyệt ký văn bản hoặc văn bản xác định độ mật. Tài liệu bí mật nhà nước phải thể hiện nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận của tài liệu.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước, độ mật, phạm vi lưu hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
Mẫu văn bản xác nhận đối tượng đăng ký sáng chế mật
Văn bản xác định độ mật đối với sáng chế theo mẫu số 01 Thông tư 24/2020/TT-BCA do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành:
Nội dung của văn bản xác nhận độ mật bao gồm:
Tên gọi của sáng chế chứa bí mật nhà nước
Cơ quan, tổ chức xác định
Người đề xuất
Độ mật
Căn cứ xác định
Ngày, tháng, năm xác định
Thủ tục xử lý đơn đăng ký sáng chế mật có gì khác so với sáng chế thông thường?
Thủ tục xử lý đơn đăng ký sáng chế mật và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế mật, được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 về đăng ký sáng chế. Tuy nhiên, do đối tượng là bí mật nhà nước, nên so với sáng chế thông thường, thủ tục xử lý đơn đăng ký sáng chế mật có một số điểm khác như sau:
Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký
Đơn đăng ký sáng chế mật được thẩm định nội dung trong thời hạn không quá 18 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày đơn được chấp nhận hợp lệ.
Như vậy, nếu thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế thông thường được tính “kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn” (Điểm a Khoản 2 Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ) thì thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế mật lại được tính “từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày đơn được chấp nhận hợp lệ”.
Ý kiến của người thứ ba/ ý kiến phản đối
Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba hoặc ý kiến phản đối được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế mật.
Trường hợp không xác định được thông tin hoặc việc bộc lộ thông tin trong các văn bản có phù hợp với các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hay không, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Bộ Công an để xác định sự phù hợp của việc bộc lộ thông tin trong các văn bản này với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Khiếu nại thủ tục đăng ký sáng chế
Thủ tục khiếu nại theo quy định tại Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với các quyết định, thông báo về đơn đăng ký sáng chế mật và các loại đơn khác liên quan đến sáng chế mật.
Công bố đơn đăng ký sáng chế
Đơn đăng ký sáng chế mật và văn bằng bảo hộ sáng chế mật không được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Trong khi đó, đối với sáng chế thông thường, đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.
Đơn đăng ký sáng chế mật, văn bằng bảo hộ sáng chế mật được giải mật khi nào?
Giải mật là xóa bỏ độ mật của bí mật nhà nước. Đơn đăng ký sáng chế mật, văn bằng bảo hộ sáng chế mật được giải mật theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
Theo đó, sáng chế mật được giải mật toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
Hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời gian gia hạn bảo mật;
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế – xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế;
Không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Lưu ý:
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải mật theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước thông báo cho Cục Sở hữu trí tuệ và người nộp đơn, chủ văn bằng bảo hộ sáng chế về việc giải mật.
Trường hợp được giải mật, đơn đăng ký sáng chế mật và Bằng độc quyền sáng chế mật/Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật đã được giải mật được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày được giải mật.
Trường hợp có căn cứ xác định không phải là sáng chế mật thì Cục SHTT xử lý như thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 50 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, trường hợp có căn cứ rõ ràng để cho rằng sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế mật, sáng chế được bảo hộ theo văn bằng bảo hộ sáng chế mật không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý như sau:
Ra thông báo đề nghị người nộp đơn xác định lại sáng chế có phải là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước hay không;
Ấn định thời hạn 03 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn phản hồi về việc này.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Văn bản xác nhận đối tượng đăng ký sáng chế mật. Qúy khách hàng có nhu cầu tư vấn đăng ký sáng chế mật cũng như các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, vui lòng liên hệ Đại diện Sở hữu trí tuệ – Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!