Xử phạt vi phạm hành chính về báo cáo giám sát đầu tư ra nước ngoài
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển, các dự án đầu tư ra nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, kéo theo sự tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, pháp luật có quy định điều kiện về nộp báo cáo giám sát đầu tư.
Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ giải đáp thắc mắc của quý khách hàng về việc xử phạt vi phạm hành chính về báo cáo giám sát đầu tư ra nước ngoài như thế nào?
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư năm 2020;
Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Thông tư số 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
Báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định “giám sát đầu tư là hoạt động theo dõi, kiểm tra đầu tư. Giám sát đầu tư gồm giám sát chương trình, dự án đầu tư và giám sát tổng thể đầu tư.”
Từ đó, có thể hiểu báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài là bản báo cáo về tình hình thực hiện dự án đầu tư nhằm theo dõi, quản lý, kiểm tra đầu tư, xác định mức độ đạt được theo mục tiêu của dự án.
Chủ thể có nghĩa vụ báo cáo giám sát đầu tư
Chủ đầu tư, chủ dự án thành phần;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư), ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước;
Cơ quan quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát đầu tư là Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Nội dung báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài
Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài
Căn cứ Khoản 9 Điều 100 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư các dự án đầu tư ra nước ngoài lập và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư các loại báo cáo sau:
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng và cả năm;
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án (đối với trường hợp điều chỉnh dự án dẫn đến phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
Báo cáo đánh giá kết thúc.
Đối với các dự án sử dụng vốn nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ Khoản 6 Điều 100 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công lập và gửi cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư và đơn vị đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư các loại báo cáo sau:
Báo cáo giám sát, đánh giá định ký: 6 tháng và cả năm;
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án;
Báo cáo đánh giá dự án đầu tư do mình tổ chức thực hiện;
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hàng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.
Thời hạn báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài
Khoản 11 Điều 100 Nghị định 29/2021 quy định về thời hạn báo cáo giám sát đầu tư như sau:
Đối với chủ chương trình, chủ đầu tư và nhà đầu tư, thời hạn báo cáo được quy định:
Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
Gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.
Đối với cơ quan đăng ký đầu tư thời hạn gửi báo cáo giám sát đầu tư hằng năm trước ngày 20 tháng 02 năm sau.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, thời hạn gửi báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể hàng năm trước ngày 01 tháng 3 năm sau.
Xử phạt vi phạm hành chính về báo cáo giám sát đầu tư ra nước ngoài
Các Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo hoặc báo cáo sai sự thực, không thực hiện thủ tục đầu tư sẽ phải chịu phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 20 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ phải chịu xử phạt hành chính như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định
Không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định
Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc bổ sung các nội dung còn thiếu trong trường hợp báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đầy đủ nội dung;
Buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài
Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư
Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, quy hoạch;
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền: Phạt tiền đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 350.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyền: Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 150.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; đến 300.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư; đến 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch;
Lưu ý:
Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Ngoài ra, các chủ thể trên có quyền áp dụng các biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Dịch vụ tư vấn làm báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài của Công ty Luật Việt An
Tư vấn chuẩn bị hồ sơ, thông tin để hoàn thiện báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài;
Soạn thảo báo cáo giám sát đầu tư cho doanh nghiệp;
Thay mặt doanh nghiệp thực hiện, theo dõi các thủ tục liên quan đến đầu tư nước ngoài;
Tư vấn các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư nước ngoài;
Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trên đây là thông tin về xử lý vi phạm hành chính về báo cáo giám sát đầu tư nước ngoài. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn thủ tục, làm báo cáo giám sát đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư vui lòng liên hệ công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.