Sáng chế muốn được bảo hộ thì cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận đơn và tiến hành thẩm định hình thức, đơn đăng ký bảo hộ, đơn đăng ký sáng chế, hợp lệ sẽ được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trước thời điểm này, đơn đăng ký sáng chế sẽ được bảo mật các thông tin để đảm bảo quyền lợi cho chủ đơn. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp một số tư vấn pháp lý khái quát cho quý khách hàng về vấn đề bảo mật đơn đăng ký sáng chế trước khi công bố.
Sáng chế là gì?
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên, là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và những văn bản luật có liên quan khác.
Luật sở hữu trí tuệ cũng loại trừ một số đối tượng không bảo hộ dưới dạng sáng chế như: Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính; Cách thức thể hiện thông tin; Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ; Giống thực vật, giống động vật; Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh; Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Sau khi đăng ký sáng chế và được cấp văn bằng sáng chế bởi Cục sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu sáng chế sẽ được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế và sẽ được pháp luật bảo vệ khi có bất kỳ hành vi nào xâm phạm quyền sáng chế.
Điều kiện bảo hộ sáng chế là gì?
Để một sáng chế được bảo hộ thì sáng chế đó cần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật. Trong đó, đối với Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có tính mới;
Có trình độ sáng tạo;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đối với Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có tính mới;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đơn đăng ký sáng chế trước khi công bố được bảo mật như thế nào?
Thời điểm bảo mật
Căn cứ khoản 1 Điều 111 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022, trước thời điểm đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp thì thông tin trong đơn sẽ được cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp bảo mật.
Cụ thể, sáng chế muốn được bảo hộ thì phải nộp đơn đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận đơn và tiến hành thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế, đơn hợp lệ sẽ được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong tháng thứ 19 (mười chín) kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ khi chủ đơn nộp đơn đăng ký đến cơ quan thẩm quyền đến khi kết thúc việc thẩm định hình thức, công bố công khai thì đơn đăng ký sáng chế đuộc bảo mật các thông tin.
Các nội dung được bảo mật
Theo quy định, các thông tin được ghi trong đơn đăng ký sáng chế đều được bảo mật trước khi công bố, cụ thể:
Nguồn gốc đơn: Có thể là đơn tách hoặc đơn chuyển đổi; ngày nộp đơn.
Tên sáng chế: Tên do chủ sở hữu đặt, đồng bộ với các tên được ghi trong các tài liệu khác.
Phân loại sáng chế quốc tế: Phân loại căn cứ vào bảng phân loại quốc tế sáng chế dịch từ bản tiếng anh của WIPO công bố.
Chủ đơn (tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế): Thông tin về tên, địa chỉ, địa chỉ liên hệ (SĐT, gmail, số Fax,….)
Đại diện của chủ đơn (nếu có người uỷ quyền hay người đại diện theo pháp luật…): Thông tin về tên, địa chỉ, điện thoại, email…
Tác giả (trường hợp chủ đơn không đồng thời là tác giả sáng chế): Thông tin về tên, địa chỉ, quốc tịch, địa chỉ liên hệ,…
Các tài liệu có trong đơn: Thông tin các tài liệu tối thiểu (tờ khai, bản mô tả, chứng từ nộp phí, lệ phí…) và các tài liệu khác (bản tóm tắt, bản dịch, giấy uỷ quyền…) (số trang, số bản cũng như ngôn ngữ được sử dụng,…)
Cam kết của chủ đơn: Địa chỉ, ngày, tháng, năm làm đơn, chữ ký và con dấu (nếu có).
Yêu cầu của chủ đơn: Hưởng quyền ưu tiên, thẩm định nội dung,..
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện bảo mật
Cơ quan có trách nhiệm bảo mật đơn đăng ký sáng chế là cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể:
Bộ/Sở Khoa học và Công nghệ;
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chịu trách nhiệm chính trong việc đăng ký sáng chế).
Địa chỉ trụ sở chính: Số 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Địa chỉ văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại:
TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh;
TP. Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xử lý vi phạm trách nhiệm bảo mật
Theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022, trường hợp công chức của cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp làm lộ bí mật thông tin trong đơn đăng ký sáng chế, vi phạm trách nhiệm bảo mật sẽ bị xử lý như sau:
Bị xử lý kỷ luật với các hình thức được quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP:
Đối với trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì các hình thức kỹ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.
Đối với trường hợp công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Tương tự công chứng giữ chức vụ lão đạo, quản lý nhưng không có hình thức kỷ luật là cách chức.
Nếu việc làm lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho người nộp đơn thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ đơn theo quy định của pháp luật dân sự.
Tại sao cần bảo mật đơn đăng ký sáng chế trước khi công bố?
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đơn đăng ký
Việc bảo mật đơn đăng ký sáng chế giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ đơn đăng ký (chủ sở hữu/tác giả) trước khi công bố chính thức trên Công báo sở hữu công nghiệp. Vì trên thực tế trước khi kiểu dáng công nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, nó vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý, các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực có thể có thể phân tích ngược sáng chế để tạo ra một sản phẩm tương tự có giá thành rẻ hơn hoặc phát triển những sản phẩm mới dựa trên tình trạng kỹ thuật của sáng chế của chủ đơn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường hoặc có thể nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh và gây thiệt hại cho chủ đơn khi thương mại hóa sáng chế đó trên thị trường
Hạn chế tranh chấp pháp lý xảy ra
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với sáng chế chỉ phát sinh sau khi có quyết định cấp Bằng độc quyền sáng chế, việc nộp đơn tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mới chỉ là căn cứ để phát sinh quyền. Nếu thông tin về kiểu dáng bị lộ trước khi cấp Giấy chứng nhận, có thể dẫn đến tranh chấp về quyền sở hữu khi các bên khác có thể lợi dụng điều này để hoàn thiện và đăng ký sáng chế tương tự hoặc sản phẩm mới dựa trên tình trạng kỹ thuật của sáng chế này trước.
Việc bảo mật đơn đăng ký giúp bảo vệ quyền ưu tiên đối với sáng chế theo quy định tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP. Nếu đơn đăng ký bị công khai trước khi được cấp Giấy chứng nhận, người đăng ký có thể mất quyền ưu tiên và người khác có thể nộp đơn đăng ký trước, mất đi cơ hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Trên đây là phân tích về bảo mật đơn đăng ký sáng chế trước khi công bố. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!