Bổ sung ngành nghề sản xuất thực phẩm cho chi nhánh công ty
Ngành sản xuất thực phẩm đang trên đà phát triển khi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng của con người ngày càng tăng cao. Do thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nên khi lựa chọn kinh doanh ngành nghề sản xuất thực phẩm, doanh nghiệp/chi nhánh cần đáp ứng những điều kiện nhất định.
Khi chi nhánh muốn bổ sung ngành nghề thì điều kiện đầu tiên đó là ngành nghề đó nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh của công ty. Nếu công ty chưa có ngành nghề kinh doanh đó thì cần phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề trước khi chi nhánh thực hiện thủ tục thông báo.
Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi về ngành nghề, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh đến Phòng đăng ký kinh doanh (thuộc Sở kế hoạch đầu tư). Trong trường hợp người đại diện không trực tiếp nộp thông báo thì cần nộp kèm giấy ủy quyền và giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người nộp.
Sau khi xem xét, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký hoạt động của chi nhánh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Do sản xuất thực phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên khi muốn kinh doanh ngành nghề này, chi nhánh cũng cần đáp ứng các điều kiện luật định. Cụ thể, theo Luật an toàn thực phẩm 2010 thì cơ sở sản xuất thực phẩm cần đáp ứng điều kiện:
Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về bảo quản, vận chuyển thực phẩm, … trong quá trình sản xuất thực phẩm.
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp thực hiện thông báo về việc bổ sung ngành nghề quá hạn so với quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 15.000.000 đồng (Nghị định 50/2016/NĐ-CP).