Hiện nay, chứng khoán được coi là một trong những loại tài sản ngày càng phổ biến và càng thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý từ các cá nhân, tổ chức đầu tư chứng khoán. Theo quy định của pháp luật, chứng khoán được phân loại thành nhiều loại tùy thuộc vào tính chất của chúng. Một trong số loại chứng khoán quen thuộc là cổ phiếu. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ giới thiệu về các loại cổ phiếu trong công ty đại chúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Luật Chứng khoán 2019;
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Công ty đại chúng là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019, công ty cổ phần được coi là công ty đại chúng khi thuộc một trong hai trường hợp sau:
Công ty cổ phần có số vốn điều lệ đã góp tối thiểu là 30 tỷ đồng và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Cổ đông lớn được hiểu là cổ đông sở hữu từ 5% sổ cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành trở lên;
Công ty cổ phần đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán 2019.
Cổ phiếu là gì?
Khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng định nghĩa về cổ phiếu, đó là cổ phiếu là một loại chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Như vậy, có thể hiểu rằng cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận số cổ phần mà cổ đông đó nắm giữ tại một công ty cổ phần và quyền được hưởng một phần lợi nhuận dưới hình thức cổ tức cũng như quyền tham gia quản lý công ty cổ phần đó.
Các loại cổ phiếu trong công ty đại chúng
Hiện nay, Luật Chứng khoán chưa có quy định cụ thể về phân loại các loại cổ phiếu trong công ty đại chúng, tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm về công ty đại chúng có thể khẳng định rằng công ty đại chúng bao gồm tất cả các loại cổ phiếu của công ty cổ phần được quy định theo quy định của pháp luật.
Tiêu chí phân loại
Loại cổ phiếu
Tính chất và các quyền lợi được hưởng của cổ đông
Cổ phiếu phổ thông: Là loại chứng khoán xác nhận số cổ phần phổ thông mà cổ đông đó nắm giữ tại công ty đại chúng và các cổ đông này được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp của một cổ đông theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông không được quy định trước về cổ tức mà cổ đông có thể được hưởng và gắn liền với kết quả kinh doanh của công ty.
Cổ phiếu ưu đãi: Là loại chứng khoán xác nhận một số ưu đãi đặc biệt của cổ đông công ty (về tài chính, biểu quyết,…) nhưng sẽ phải chịu một số hạn chế nhất định về quyền quản lý công ty.
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi cổ tức sẽ được công ty trả cổ tức với mức cao hơn so với mức của cổ phiếu phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm. Cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi cổ tức sẽ bị hạn chế quyền biểu quyết, trừ trường hợp được quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.
Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: cổ đông sở hữu có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với các cổ đông khác. Tuy nhiên, không phải bất cứ nhà đầu tư cổ phiếu nào cũng có quyền nắm giữ cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, chỉ những tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập mới được quyền nắm giữ cổ phiếu ưu đãi biểu quyết theo quy định tại Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020.
Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: cổ đông sở hữu cổ phiếu hoàn lại sẽ được công ty hoàn lại phần vốn góp của cổ đông đó theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và Điều lệ của Công ty đó. Ngoài ra, cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ hai trường hợp được quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Hình thức cổ phiếu
Cổ phiếu ghi danh: Là loại cổ phiếu ghi rõ tên người sở hữu trên cổ phiếu. Cổ phiếu này có thủ tục chuyển nhượng phức tạp, phải đăng ký tại cơ quan phát hành và phải được Hội đồng Quản trị của công ty cho phép.
Cổ phiếu vô danh: Là loại cổ phiếu không ghi tên người sở hữu trên cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu này.
Tình trạng phát hành
Cổ phiếu đã phát hành: Là cổ phiếu đã được nhà đầu tư thanh toán đầy đủ và thông tin về người sở hữu được ghi nhận trong sổ đăng ký cổ đông
Cổ phiếu đang lưu hành: Là số cổ phiếu đã phát hành trừ đi số cổ phiếu công ty mua lại làm cổ phiếu quỹ
Tính chất
Cổ phiếu thường
Cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu quỹ là gì?
Khái niệm cổ phiếu quỹ
Theo khái niệm tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu quỹ được hiểu là loại cổ phiếu đã được phát hành bởi công ty đại chúng và do chính công ty đại chúng đã phát hành mua lại bằng chính nguồn vốn hợp pháp của công ty đó. Cổ phiếu quỹ không được tính vào các cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, cổ phiếu quỹ được tạo ra bởi hành động mua lại cổ phiếu bởi chính công ty đã phát hành chúng.
Công ty đại chúng không được mua lại quá 30% tổng số cổ phiếu phổ thông đã bán ra thị trường, tuy nhiên đối với cổ phiếu ưu đãi cổ tức thì công ty đại chúng có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phiếu đã bán theo quy định của khoản 1 Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020.
Đặc trưng của cổ phiếu quỹ
Căn cứ vào khái niệm của cổ phiếu quỹ, có thể hiểu rằng cổ phiếu quỹ là một loại cổ phiếu đặc trưng của công ty cổ phần nói chung và công ty đại chúng nói riêng. Và cổ phiếu quỹ chỉ được hình thành khi công ty cổ phần/công ty đại chúng mua lại phần cổ phiếu do chính công ty đó phát hành.
Ngoài ra, cổ phiếu quỹ còn hai đặc trưng khác để có thể phân biệt với các loại cổ phiếu phổ thông khác, đó là:
Cổ phiếu quỹ không được lưu hành trên thị trường chứng khoán;
Cổ phiếu quỹ không có quyền biểu quyết và không được trả cổ tức.
Điều kiện hình thành cổ phiếu quỹ
Căn cứ theo khái niệm cổ phiếu quỹ đã được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng muốn hình thành cổ phiếu quỹ thì cần thực hiện việc mua lại một số lượng cố phiếu từ lượng cổ phiếu của công ty này đang được lưu hành trên thị trường chứng khoán.
Vì vậy, cổ phiếu quỹ được hình thành khi và chỉ khi công ty đại chúng mua lại chính cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của công ty này.
Dịch vụ tư vấn pháp luật cho công ty đại chúng tại Việt Nam
Tư vấn các cá nhân, tổ chức đáp ứng các điều kiện thành lập công ty đại chúng;
Tư vấn về điều kiện, thẩm quyền, trình tự về mua lại cổ phiếu trong công ty đại chúng;
Soạn thảo hồ sơ thực hiện các nghĩa vụ đăng ký, báo cáo với cơ quan chuyên môn khi thành lập công ty đại chúng;
Đại diện theo ủy quyền của khách hàng để thực hiện các thủ tục liên quan;
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về các loại cổ phiếu trong công ty đại chúng, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.
Bài viết được cập nhật đến tháng 4/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui long liên hệ đến Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ.